Ngày 6/3, trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Nga cho rằng, hai bên không nên để những bất đồng liên quan đến vấn đề Ukraine làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước.

putin-obama1.jpg
Mối quan hệ Nga - Mỹ đang trở nên căng thẳng sau những bất đồng liên quan đến vấn đề Ukraine (Ảnh: livesicilia)

Theo RT, ông Putin đã từ chối thực hiện yêu cầu của phía Mỹ không can thiệp vào tình hình tại nước Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine. Ông Putin cho rằng, Nga không thể bỏ qua lời kêu gọi giúp đỡ của những người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Trong khi đó, Reuters dẫn thông cáo phát đi từ Nhà Trắng cho hay, ông Obama đề nghị Nga rút quân ra khỏi bán đảo Crimea, đồng ý để các quan sát viên quốc tế bảo vệ quyền lợi cho toàn bộ nhân dân Ukraine và ủng hộ cuộc bầu cử vào tháng 5 tới của nước này.

Thông cáo của Nhà Trắng có đoạn: “Tổng thống Obama cho rằng, vẫn có giải pháp ngoại giao để giải quyết tình hình Ukraine mà vẫn đảm bảo lợi ích cho Nga, người dân Ukraine và cộng đồng quốc tế”.

Về phía Nga, trong cuộc điện đàm, ông Putin nhấn mạnh vai trò quan trọng của mối quan hệ Nga - Mỹ trong việc đảm bảo ổn định và an ninh cho thế giới. Tổng thống Nga cũng kêu gọi Mỹ “không nên hy sinh mối quan hệ giữa hai quốc gia chỉ vì các bất đồng về những vấn đề quốc tế đơn lẻ, dù chúng vô cùng quan trọng”.

Bình luận về tình hình Crimea, ông Obama cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý theo dự kiến về quy chế của Crimea sẽ "vi phạm Hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế". Tổng thống Mỹ cũng khẳng định quan điểm của Mỹ, bất kỳ vòng đàm phán nào về cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea phải có sự tham dự của chính phủ hợp pháp của Ukraine.
Theo BBC, trước đó, ngày 6/3, Nghị viện Crimea đã bỏ phiếu nhất trí trở thành một phần thuộc Liên bang Nga. Chính quyền Crimea đã yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin xem xét đề nghị cho phép nước Cộng hòa tự trị này gia nhập Liên bang Nga và đề nghị này sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân vào ngày 16/3 tới.

Cũng trong ngày 6/3 trước khi gọi cho Tổng thống Putin, ông Obama đã quyết định sẽ áp đặt lệnh cấm thị thực đối với các công dân Nga và Crimea, những đối tượng bị Washington coi là "đe dọa chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama còn ký một quyết định cho phép trừng phạt các "cá nhân và tổ chức có những hoạt động gây nguy hại cho tiến trình hoặc các thể chế dân chủ ở Ukraine". Mỹ cũng quyết định từ chối cấp thị thực và phong tỏa tài sản của những đối tượng dính líu tới hành vi vi phạm nhân quyền và đàn áp chính trị ở Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đề ra các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc nước này đưa quân vào bán đảo Crimea. Hôm nay (7/3), Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố nếu các biện pháp trừng phạt đầu tiên không hiệu quả, phương Tây sẽ có các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào các doanh nghiệp Nga và những nhân vật quan trọng thân Nga./.