Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20/12 cho biết, chính quyền của ông có thể sẽ có một vài thay đổi trong chính sách thu thập thông tin từ các cuộc ghi âm điện thoại. Tuyên bố đưa ra như một động thái xoa dịu những lo ngại của người dân Mỹ rằng quyền riêng tư của họ đang bị xâm phạm vì các hoạt động tình báo của nước này.

nghe-len-1.jpg
Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc họp báo cuối năm ở Nhà Trắng (Ảnh: Getty)

Ông Obama khẳng định, chương trình ghi âm các cuộc điện thoại của chính phủ Mỹ “có thể được thiết kế lại để cung cấp những thông tin cần thiết mà không tạo ra các nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư”. Tổng thống Obama cũng cho biết ông chưa đưa ra bất cứ quyết định nào đối với chương trình thu thập thông tin tình báo của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) song ông đang xem xét hàng chục kiến nghị, trong đó có việc không cho phép cơ quan này lưu trữ dữ liệu tại cơ sở của họ mà chuyển sang cho các công ty điện thoại tư nhân.

Đây là kiến nghị của Hội đồng cố vấn cho Tổng thống đưa ra hồi đầu tuần. Hội đồng bao gồm cả các chuyên gia tình báo này cũng kêu gọi chính phủ cải cách chương trình ghi âm các cuộc điện thoại và kêu gọi chính phủ phải xin phép Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài (FISC) để được tiếp cận kho dữ liệu ghi âm này.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama không đề cập đến việc này, có nghĩa là chính phủ Mỹ vẫn chưa bị hạn chế trong việc tiếp cận các thông tin từ kho ghi âm điện thoại. Ông Obama cho biết sẽ đưa ra tuyên bố về các chương trình giám sát của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ vào tháng sau.

Chương trình ghi âm các cuộc điện thoại được biết đến trong Mục 215 của Đạo luật Yêu nước của Mỹ (USA Patriot Act). Tuy nhiên hôm 16/12, Thẩm phán Liên bang Mỹ Richard Leon đã tuyên bố chương trình thu thập thông tin từ các cuộc điện thoại của chính phủ Mỹ là trái Hiến pháp. Ông Leon cho rằng có rất ít bằng chứng về âm mưu khủng bố được ngăn chặn nhờ chương trình này.

Chính phủ Mỹ đang phải thể hiện sự quyết tâm cải tổ sâu rộng Cơ quan An ninh quốc gia trước sức ép của cộng đồng quốc tế sau những tiết lộ của cựu nhân viên cơ quan này, Edward Snowden, về các hoạt động do thám của Mỹ nhằm vào nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh của nước này.

Trong khi đó, những tài liệu mật do Snowden công bố tiếp tục làm rạn nứt quan hệ của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) và Israel. Tờ Thời báo New York của Mỹ và tờ Người bảo vệ (The Guardian) của Anh ngày 20/12 hé lộ những thông tin mới về chương trình do thám của hai nước này.

Không dừng ở theo dõi nhiều nước trên thế giới, thậm chí nghe lén Thủ tướng Đức Angela Merkel, các tòa nhà Chính phủ Đức, Liên Hợp Quốc…, các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh đã từng theo dõi cả văn phòng của cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert khi ông này còn đương nhiệm vào tháng 1/2009. Ngoài ra, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ còn theo dõi thư điện tử trao đổi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó là Ehud Barak và Chánh văn phòng của ông này.

Những tiết lộ mới nhất này cũng cho biết Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Joaquin Almunia, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng nằm trong danh sách bị do thám. Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ chưa xác nhận cũng như bác bỏ thông tin trên song khẳng định cơ quan này không do thám với mục đích hỗ trợ các tập đoàn của Mỹ./.