Tờ tuần báo hàng đầu của Đức Der Spiegel đưa tin, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) có thể bẻ khóa mã bảo mật bảo vệ dữ liệu của các loại điện thoại thông minh như iPhone, Blackberry và các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android.

berlin-protesters-1.jpg
Người biểu tình ở Berlin phản đối NSA theo dõi người dùng internet  (Ảnh: AP)

Theo tờ Der Spiegel, các tài liệu mật vừa được tiết lộ cho thấy, NSA và Cơ quan Tình báo Chính phủ Anh (GCHQ) đã phối hợp thực hiện việc thu thập thông tin tình báo bằng cách bẻ khóa mã số riêng của các thiết bị thông minh.

Khi nhân viên tình báo đã bẻ khóa được các mã bảo mật, họ có thể đọc được địa chỉ liên lạc của người sử dụng và danh sách các danh sách người đã được gọi.

Các tài liệu được Spiegel công bố không cho biết, liệu hai cơ quan tình báo của Anh và Mỹ có giám sát việc sử dụng điện thoại trên diện rộng hay không.

Tạp chí Spiegel cũng không giải thích tại sao họ có thể thu thập được các tài liệu trên. Một trong các tác giả của bài báo là bà Laura Poitras, nhà làm phim người Mỹ có mối liên hệ gần gũi với  Edward Snowden có thể chính là người đã có được các tài liệu mật nói trên.

Theo các tài liệu này, hãng điện thoại Blackberry đã bắt đầu sử dụng phương pháp mới để nén dữ liệu trên dòng điện thoại thông minh của hãng từ tháng 5/2009.

Trong khoảng 1 năm sau đó, các nhân viên tình báo đã không thể truy cập dữ liệu thông tin trên điện thoại BlackBerry. Tuy nhiên, cuối cùng thì GCHQ vẫn bẻ khóa thành công.

Những tiết lộ gần đây về việc NSA tiến hành giám sát dữ liệu internet và điện thoại của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Đức đã gây ra những cuộc tranh luận ngay trong nội bộ nước Đức về việc hợp tác giữa quốc gia này với Mỹ trong lĩnh vực tình báo.

Mới đây nhất, ngày 7/9, đã có hàng nghìn người tham gia biểu tình ở Berlin để phản đối và yêu cầu NSA chấm dứt việc theo dõi người sử dụng internet trên toàn thế giới./.