Tờ The World ngày 27/10 cho biết, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi và thu thập dữ liệu khoảng 60 triệu cuộc gọi ở Tây Ban Nha chỉ trong tháng 12/2012.

Tiết lộ trên là một phần trong vụ bê bối làm sáng tỏ chương trình theo dõi gián điệp của nước Mỹ.

anh-minh-hoa-nghe-len.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)

Chương trình theo dõi của NSA đã khiến dư luận chấn động vào tuần trước khi tờ báo Der Spiegel của Đức tiết lộ rằng Washington đã “rình mò” ít nhất 35 lãnh đạo thế giới.

Theo thông tin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nằm trong danh sách theo dõi gián điệp kể từ năm 2002. Thêm nữa, các phương tiện truyền thông Đức đã tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được thông báo về hoạt động này ít nhất là từ năm 2010 và thậm chí còn ra lệnh cho NSA chuẩn bị một hồ sơ toàn diện về bà Merkel.

Tuy nhiên, NSA đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ cáo buộc và tuyên bố rằng, họ chưa từng thảo luận với ông Obama về hoạt động này. Bên cạnh đó, Tổng thống Obama đích thân đảm bảo với bà Merkel rằng ông không hề hay biết gì về hoạt động theo dõi bà.

Sau một loạt bê bối về nghe lén, mặc dù Tổng thống Obama đã đảm bảo với một số mục tiêu theo dõi gián điệp của Washington rằng sẽ xem xét lại các hoạt động thu thập tình báo của Mỹ, một liên minh gồm hơn 20 quốc gia, trong đó dẫn đầu là Brazil và Đức đang thúc đẩy một nghị quyết Liên Hợp Quốc nhằm lên án việc nghe lén “bừa bãi” và giám sát “vượt ngoài lãnh thổ” của Mỹ./.