Yahoo Newsdẫn lời bà Haley ngày 9/4 nhấn mạnh, Nga sẽ phải chịu trách nhiệm về việc quân Chính phủ Syria bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường làm gần 100 người thiệt mạng.

ten_lua_rbzt.jpg
Tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ phóng về phía Syria. Ảnh: Reuters

Mỹ sẵn sàng “chơi rắn” với cả Nga và Syria

Cũng theo bà Haley, Nga đã cố tình “bao che cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad”: “Các bạn đều đã chứng kiến thảm kịch kinh hoàng diễn ra với người dân vô tội tại Syria, trong đó có rất nhiều trẻ em.

Phản ứng đầu tiên của Nga không phải là “thật kinh khủng” hay “làm sao họ có thể làm như thế?” hoặc “làm sao chuyện như vậy lại có thể xảy ra?”, thay vì thế, họ chỉ liên tục khẳng định: “Ông Assad không làm thế”. Làm sao Nga có thể phản ứng như vậy?

Tôi cảm thấy mình bị “vỡ vụn ra” khi nghe thấy những điều lạnh lùng đến như vậy mà Nga dám nói ra. Tôi không thể tin được rằng họ vẫn muốn tiếp tục bao che cho ông Assad. Mọi chuyện đã hết sức rõ ràng chứ không phải chúng tôi cố tình lôi Nga ra trước cộng đồng quốc tế”.

Theo bà Haley, việc Mỹ phóng tên lửa vào Syria là nhằm gửi một thông điệp cứng rắn đến Moscow: “Điều này là nhằm để Nga hiểu rằng, chúng tôi sẽ không cho phép Nga bao che cho chính thể của ông Assad nữa. Chúng tôi không chấp nhận thảm kịch này xảy ra với người dân vô tội một lần nữa”.

Cũng theo bà Haley: “Tôi cho rằng, Mỹ cũng sẽ cảnh báo Syria rằng, Nga sẽ không “chống lưng” cho Syria nữa, nhưng nếu họ vẫn tiếp tục làm như vậy, chúng tôi sẽ không “bỏ qua” cho cả Nga và Syria”.

Trước đó, bà Haley đã tuyên bố trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng, ông Trump dự định “sẽ làm nhiều hơn nữa trong vấn đề Syria”. Thông điệp này được bà tái khẳng định vào ngày 9/4: “Tôi muốn thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế rằng, ông Trump sẽ không dừng mọi chuyện tại đây. Nếu ông ấy cảm thấy cần phải làm nhiều hơn nữa, ông ấy sẽ hành động”.

“Nga, Syria không thực hiện đúng cam kết của mình”

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định, cho đến nay, ông vẫn không nhận thấy “bất kỳ bằng chứng rõ rệt nào về việc Nga trực tiếp lên kế hoạch hay tham gia” vào các vụ tấn công bằng khí độc nhằm vào thường dân Syria.

Tuy nhiên, theo ông Tillerson, rõ ràng là Moscow đã thất bại “trong việc thực thi đầy đủ cam kết của nước này với cộng đồng quốc tế” rằng Nga sẽ làm hết sức mình để buộc Syria từ bỏ vũ khí hóa học.

“Tôi vẫn không hiểu sao Nga không thể đạt được mục tiêu này. Tôi sẽ không đưa ra một kết luận chính thức nào về việc này, tuy nhiên, rõ ràng là họ đã thể hiện sự bất lực của mình hoặc có thể họ đang cố tìm cách né tránh vấn đề này”, ông Tillerson nói.

Cũng theo ông Tillerson, cuộc không kích vào Syria chỉ liên quan trực tiếp đến vụ binh sĩ quân Chính phủ Syria bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường.

“Tôi nghĩ rằng, Tổng thống Donald Trump đã nói rất rõ quan điểm của mình trong thông điệp gửi đến người dân Mỹ rằng, vụ không kích Syria chỉ liên quan đến vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khủng khiếp nhằm vào phụ nữ và trẻ em Syria- trong đó có cả những đứa trẻ sơ sinh”, ông Tillerson nói.

“Vụ tấn công này cũng nhằm gửi một thông điệp đến Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng, ông đã nhiều lần vi phạm thỏa thuận giữa ông và Liên Hợp Quốc liên quan đến việc cấm sử dụng vũ khí hóa học hồi năm 2013. Hành động của ông Assad sẽ không thể được dung thứ và chúng tôi kêu gọi Nga cùng thực thi cam kết nói trên.

Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngừng ngay việc sử dụng vũ khí hóa học, nếu không, chúng tôi sẽ không còn cách nào khác là buộc phải thay đổi chính sách về quân sự của mình đối với tình hình Syria”, Ngoại trưởng Tillerson nêu rõ.

Tương lai của ông Assad vẫn là dấu hỏi lớn

Tuy nhiên, bà Haley và ông Tillerson lại có quan điểm hết sức trái chiều về việc liệu Chính phủ của Tổng thống Donald Trump có tiếp tục theo đuổi việc gây sức ép buộc ông Assad từ chức hay không.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Haley nhấn mạnh: “Sẽ không có thể có được hòa bình nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục đứng đầu chính quyền. Chúng tôi sẽ phải đảm bảo rằng, chúng tôi sẽ làm hết sức để ông ấy phải ra đi”.

Trong khi đó, ông Tillerson cảnh báo, việc thay đổi chính thể ở Syria sẽ đi kèm với “một cái giá phải trả rất đắt”: “Chúng tôi đã từng chứng kiến những gì đã xảy ra sau khi lật đổ chính thể ở Libya.

Tình hình tại Libya sau đó vẫn tiếp tục hỗn loạn và chúng tôi cũng nhận thấy rằng, cuộc sống của người dân Libya cũng không hề được cải thiện so với trước đây.

Tôi cho rằng, chúng tôi cần rút ra được những bài học từ quá khứ và nhận thức rõ những sai lầm đã mắc phải tại Libya nếu vẫn muốn tìm cách thay đổi chế độ ở Syria. Đây là một việc hết sức khó khăn và đòi hỏi một tiến trình lâu dài để có thể tạo ra một sự ổn định và bền vững tại Syria.

Bất kỳ khi nào bạn lựa chọn việc sử dụng bạo lực để lật đổ một chính thể nào đó, sẽ rất khó để có thể tạo ra được những điều kiện cần thiết để duy trì sự ổn định lâu dài tại chính quốc gia vừa có sự thay đổi chính thể nói trên”./.