Đây được xem là một sự thay đổi lập trường rõ ràng của Mỹ, khi trước đó chưa đầy hai tuần, nước này tuyên bố sẽ chỉ hỗ trợ các lực lượng Iraq ngăn chặn đà tiến quân của các nhóm hồi giáo cực đoan.
Cố vấn an ninh Nhà trắng Ben Rhodes ngày 22/8 thông báo, Mỹ sẵn sàng thực hiện những hành động mới nhằm chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và điều này cũng đồng nghĩa với khả năng mở rộng cuộc chiến sang Syria, vốn được xem là căn cứ địa của nhóm nổi dậy. Đến nay, các chiến dịch không kích của Mỹ mới chỉ giới hạn ở lãnh thổ Iraq.
Tuy nhiên, theo ông Ben Rhodes, hiện nhóm Nhà nước Hồi giáo đã trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều so với cách đây 6 tháng, nhất là sau vụ hành quyết một nhà báo Mỹ mới đây. Chính vì thế, Mỹ đang tích cực nghiên cứu những biện pháp cần thiết nhằm đối phó tốt hơn với mối đe dọa này và đây có thể là một cuộc chiến không giới hạn về địa chính trị.
Ông Ben Rhodes nói: “Chúng tôi sẽ làm điều cần thiết để bảo vệ công dân Mỹ và để công lý được thực hiện nhất là sau những gì xảy ra với nhà báo Mỹ Jim Foley. Vì thế, chúng tôi đang tích cực xem xét những điều cần phải làm để đối phó với mối nguy cơ này và chúng tôi sẽ không vì giới hạn ở các đường biên giới. Chúng tôi muốn cho thấy rằng trước bất kỳ mối đe dọa khủng bố nào, chúng tôi sẽ tấn công trực diện nếu điều đó là cần thiết”.
Vài ngày sau vụ hành quyết một nhà báo Mỹ, Chính phủ Mỹ dường như đã thông qua một lập trường cứng rắn hơn với nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đây không phải là một điều bất ngờ bởi có thể ngay từ đầu người Mỹ đã dự tính về một cuộc chiến dài hơi.
Còn nhớ, hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ra một thông báo rõ rằng, nếu được tiến hành, các cuộc không kích tại Syria sẽ chỉ kéo dài 2 hoặc 3 ngày và Mỹ sẽ không triển khai bất kỳ binh sĩ nào trên mặt đất. Tuy nhiên, lần này, Mỹ đã không đưa ra bất kỳ một giới hạn về thời gian nào. Chỉ riêng điều này đã dự báo về một trận chiến dài hơi và mục đích không đơn giản chỉ là ngăn chặn bước tiến của nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo. Ngay từ đầu, các cơ quan an ninh Mỹ đã tính đến mức độ nguy hiểm của nhóm nổi dậy Hồi giáo cực đoan này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, Mỹ có thể tiến hành các chiến dịch bí mật, song sẽ không phải là một cuộc chiến trên bộ bởi công luận nước này không ủng hộ. Hơn nữa, Tổng thống Obama đã đắc cử với cam kết không tham chiến tại Iraq và Afghanistan. Hiện nay, phần lớn người Mỹ ủng hộ không kích, song rất ít trong số này ủng hộ một cuộc chiến trên bộ.
Liên quan tới khả năng không kích xuống Syria, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ rất khó tìm kiếm một giải pháp mà không đối thoại xây dựng với Tổng thống al-Assad, song Mỹ sẽ rất khó tìm được tiếng nói chung với các nước khác. Thực tế cho thấy, Mỹ sẽ không bao giờ hành động một mình.
Chiến lược của Mỹ luôn là dựa trên sự ủng hộ của các nước lớn trong khu vực. Hơn nữa, một chiến dịch như thế cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải xem xét lại chính sách của mình. Bởi cách đây 1 năm, vào phút chót, chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đã hủy bỏ kế hoạch không kích vào Syria nhằm ngăn chặn các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.
Nhiều lần, Mỹ cũng bác bỏ khả năng can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến tại Syria do lo ngại bị lún sâu vào cuộc xung đột. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho rằng, tình hình hiện nay đã khác so với cách đây một năm do mối đe dọa trực tiếp của nhóm Nhà nước Hồi giáo đối với các lợi ích của Mỹ.
Dự kiến, trong những tuần tới, Tổng thống Mỹ Obama có thể sẽ yêu cầu Quốc hội thông qua các khoản ngân sách mới để có thể tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo./.