Hôm 19/8 vừa qua, các thành viên của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã cho đăng tải một đoạn video với tựa đề “Thông điệp gửi đến Mỹ” lên YouTube, quay lại cảnh hành hình nhà báo James Foley- một nhà báo người Mỹ bị bắt cóc ở Syria gần 2 năm trước.
James Foley là ai?
James Foley sinh tại Rochester, New Hampshire ngày 18/10/1973. Foley chọn báo chí như sự nghiệp thứ hai của mình và đã tốt nghiệp trường báo chí danh tiếng Medill thuộc đại học Northwestern University ở tuổi 35.
Ngay sau khi có bằng báo chí năm 2008, Foley lên đường đến Iraq. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hồi năm 2012, Foley giải thích về quyết định của mình: “Đó là công việc của những nhà báo như tôi. Tôi đến đó để mô tả về những đau thương do cuộc xung đột gây ra và những câu chuyện chưa được kể. Ở đó có bạo lực khủng khiếp nhưng cũng có những điều ý nghĩa về cuộc sống và đó là cảm hứng của tôi”.
Cũng trong năm 2012, nhà báo Foley đăng tải một đoạn video nói về “những điều gây sốc” mà anh từng được chứng kiến khi tác nghiệp ở tỉnh Idlib của Syria, không xa nơi anh bị bắt cóc. Trước khi bị bắt cóc, trên trang blog cá nhân mang tên “Thế giới của những rắc rối”, Foley đã chăm chỉ ghi chép tỉ mỉ những kinh nghiệm báo chí kể từ những ngày đầu khởi nghiệp. Khi bị bắt, Foley đang làm việc cho tờ GlobalPost Boston.
Trước khi bị IS bắt cóc ở Syria, hồi năm 2011, Foley từng bị bắt cóc cùng với nhiếp ảnh gia Anton Hammerl, và hai nhà báo khác ở Libya. Hammerl bị sát hại trong khi những người khác bị giam tại một nhà tù trước khi được phóng thích 6 tuần sau đó.
Tháng 12/2012, Foley bị mất tích sau khi người ta nhìn thấy anh lần cuối cùng còn sống ở Aleppo, Syria. Người ta đã không thể biết được vị trí nơi Foley bị giam cầm cũng như thủ phạm gây ra vụ bắt cóc, bởi tại thời điểm đó ISIL (sau này là IS) vẫn chưa hình thành.
Bạn bè xót thương
Clare Morgana Gillis, một trong những nhà báo bị bắt và giam giữ với Foley ở Libya bồi hồi nhớ lại: “Jim (tên gọi thân mật của James Foley) không bao giờ chịu ngồi yên thụ động, anh ấy không chịu được bất cứ điều gì làm chậm bước chân của mình. Anh ấy luôn phấn đấu để tiến lên phía trước, tiếp cận với những gì đang diễn ra và để hiểu hơn về những người anh ấy khai thác thông tin. Khi chúng tôi bị bắt ở Tripoli, anh ấy thực sự là người đã tiếp thêm sức mạnh và hy vọng để chúng tôi có thể vượt qua”.
Sarah Fang, một người bạn khác của Foley thì nhớ anh như là một người đàn ông ngoan cường: "Ý thức cầu toàn khiến anh ấy luôn cống hiến hết mình cho công việc. Là một nhà báo, anh ấy không màng đến an toàn của bản thân để có thể đưa đến cho mọi người sự thật. Anh ấy luôn sẵn sàng bước đến nơi mà không ai muốn tới”.
Phát biểu với tạp chí Newsweek, phóng viên phụ trách mảng Trung Đông của BuzzFeed, Sheera Frenkel nói rằng: “Foley là một đồng nghiệp hào hiệp và được nhiều người quý mến trong công việc. Anh ấy cảm thấy mình có trách nhiệm phải làm chứng nhân cho những sự kiện bạo lực và nguy hiểm bậc nhất của thập kỷ này. Anh ấy đã bị mắc kẹt lại trong câu chuyện của mình. Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì sự ra đi này của anh”.
Một đồng nghiệp khác của Foley, nhà báo Clay Dillow chia sẻ trên Twitter: “Foley là một trong những người giàu lòng vị tha nhất mà tôi từng biết. Thật may mắn khi được biết anh và được gọi anh là một người bạn”. Trong khi đó, Alex Sherman của Bloomberg News: “Xin hãy yên nghỉ bạn của tôi, chúng tôi sẽ nhớ mãi ngày hôm nay khi Jim bị IS chặt đầu sau 2 năm bị bắt cóc. Anh ấy là một con người hài hước, thân thiện và đáng yêu”.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo mới đây đã đưa ra cảnh báo cho rằng, Syria hiện là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các nhà báo. Số liệu thống kê cho thấy, có ít nhất 66 nhà báo đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến ở Syria. Nhà báo James Harkin trong một bài viết trên tạp chí Vanity Fair nói rằng: “Bạn càng đào sâu thông tin về các nhà báo bị mất tích ở Syria, càng có nhiều những sự thật được phơi bày và điều đó giống như lội qua một vũng lầy”.
James Foley – một nhà báo sẵn sàng hy sinh vì sự thật
Đêm 19/8, gia đình Foley đã có tuyên bố chính thức về sự ra đi của James Foley: “Chúng tôi cảm thấy tự hào về Jim hơn bao giờ hết. Jim đã cống hiến cả cuộc đời mình để phơi bày cho cả thế giới thấy sự đau khổ của người dân Syria. Chúng tôi yêu cầu những kẻ bắt cóc trả tự do cho các con tin còn lại bởi giống như Jim, họ là những người vô tội”.
Ngày 20/8, cha mẹ của James Foley cũng đã có cuộc tiếp xúc với giới truyền thông để nói về cái chết của con trai mình. John và Diane Foley xuất hiện bên ngoài ngôi nhà của họ ở Rochester, New Hampshire nói rằng: “Con trai chúng tôi là một nhà báo dũng cảm. Jim luôn hy vọng sẽ an toàn trở về nhà, Jim không muốn chúng tôi phải chịu đau khổ”.
Cha của James Foley, ông John nói: “Khi người ta hỏi Jim tại sao lại đến những nơi nguy hiểm như vậy, Jim đã hỏi lại rằng, tại sao lính cứu hỏa lại lao vào biển lửa để cứu người?… Đó là công việc”.
Ông John nói thêm: “Jim yêu thích tự do và cuối cùng đã được tự do. Giờ đây chúng tôi biết rằng Jim đã được bình yên trong vòng tay của Chúa, tận hưởng cuộc sống tự do trên thiên đường”.
Gia đình Foley cũng khẳng định: “Chúng tôi không có quyền kiểm soát chính sách của Chính phủ Mỹ ở Iraq, Syria hay bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chúng tôi cám ơn Jim về những gì anh ấy đã mang lại cho chúng tôi. Jim là một đứa con ngoan, một người anh, một nhà báo và đơn giản là một con người tử tế. Xin hãy tôn trọng sự riêng tư của chúng tôi trong những ngày sắp tới khi chúng ta bày tỏ sự tiếc thương và trân trọng Jim”.
Chính phủ Mỹ sẽ làm gì sau cái chết của Foley?
Sau sự ra đi của James Foley, nhà báo Pháp Nicolas Henin – người đã từng trải qua 7 tháng bị giam cầm cùng với anh ở Syria trả lời phỏng vấn của BBC đã lên tiếng cáo buộc Chính phủ Anh và Mỹ đẩy người dân của họ đến nguy cơ mất mạng khi không tiến hành đàm phán và thực tế, Foley – một công dân Mỹ đã trở thành “vật tế thần” cho những kẻ khủng bố.
Henin – người đã được IS phóng thích hồi tháng 4/2014 nói: “Là một người Mỹ, anh có thể sẽ trở thành mục tiêu ưa thích hơn của những kẻ bắt cóc. Chúng tôi bị nhốt lại chung phòng nhưng Foley đã bị đánh nhiều hơn, thật buồn khi anh ấy đã trở thành vật tế thần. Một số quốc gia như Mỹ và Anh đã không thực hiện đàm phán đủ tốt để có thể giúp công dân của họ thoát khỏi những nguy cơ chết người”.
Ngày 21/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã "bày tỏ sự ghê tởm" đối với hành động chặt đầu một nhà báo Mỹ của các chiến binh Hồi giáo và tuyên bố, Mỹ sẽ làm tất cả những gì cần làm để bảo vệ công dân của mình.
Phát biểu tại buổi họp báo từ bang Massachusetts, Tổng thống Obama cực lực lên án vụ giết hại nhà báo James Foley. Ông Obama mô tả IS như một khối u đang đe dọa toàn bộ khu vực và nhấn mạnh: “Toàn thế giới kinh hoàng trước vụ giết hại tàn bạo nhà báo James Foley của nhóm khủng bố IS. James Foley là một nhà báo, một người con, một người anh và một người bạn. James Foley bị bắt làm con tin cách đây gần hai năm ở Syria, khi ông đang can đảm đưa tin vào thời điểm xảy ra cuộc xung đột tại đó. Vụ giết hại nhà báo là một hành động động bạo lực gây sốc đối với những người có lương tâm trên toàn thế giới”.
Không lâu sau tuyên bố của Tổng thống Obama, Lầu Năm Góc cho biết máy bay Mỹ đã tiến hành 14 cuộc không kích trong vùng lân cận đập nước lớn nhất tại Mosul của Iraq, phá hủy hoặc làm hư hại các thiết bị quân sự của phiến quân IS.
Động thái này của Mỹ diễn ra hoàn toàn phù hợp với nhận định của giới phân tích khi cho rằng, vụ bắt cóc và hành hình nhà báo Foley sẽ không khiến Mỹ “chùn tay” trong việc thực hiện chiến dịch không kích nhằm vào các căn cứ của IS tại Syria và Iraq. Chính sách của Mỹ từ lâu đã không có chỗ cho sự trao đổi bởi Washington cho rằng, hành động này sẽ tạo ra động lực cho các nhóm cực đoan thực hiện thêm những vụ bắt cóc tương tự hòng gây sức ép lên chính quyền Mỹ.
Câu hỏi lớn nhất đặt ra hiện nay là liệu Mỹ có nâng cấp độ can thiệp nhằm truy quét các phần tử Hồi giáo cực đoan – những kẻ vốn từ lâu đã trở thành kẻ thù của nước Mỹ ở Syria và Iraq hay không? Dù đây không phải là câu hỏi dễ trả lời nhưng chắc chắn, sau vụ Foley, Chính quyền Mỹ sẽ phải chịu thêm nhiều áp lực bởi cuộc chiến chống khủng bố do Washington phát động cho đến nay vẫn chưa mang lại nhiều tín hiệu tích cực./.