Từ 20h tối ngày 11/1, Chính phủ Mali tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Phát biểu trên truyền hình sau cuộc họp nội các, Tổng thống Mali Dioncounda Traore cho biết, tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc được ban bố sau những căng thẳng tại khu vực miền Bắc.

Ông Dioncounda Traore  nói: “Chính phủ Mali tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn bộ lãnh thổ. Mỗi người dân Mali, gồm cả đàn ông và phụ nữ phải coi mình như là người lính của quốc gia để bảo vệ đất nước. Trong thời gian qua, trong khuôn khổ pháp lý quốc tế, chúng ta nhận được sự hỗ trợ quân sự từ Pháp và chúng ta không đơn độc trong cuộc chiến chống khủng bố”.

mali-3.jpg
Lực lượng an ninh Mali bảo vệ dinh Tổng thống  (Ảnh: demotix.com)

Các nguồn tin quân sự và chính trị của Mali cho biết, ngày 11/1, được sự yểm trợ của lực lượng nước ngoài, quân đội Mali đã mở cuộc phản công nhằm vào phiến quân Hồi giáo trong nỗ lực ngăn chặn đà tiến quân của nhóm vũ trang này. Theo nguồn tin này,  mục đích của cuộc phản công là giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát thị trấn miền Trung Konna và từ đó tạo đà tiến lên giành lại các thị trấn khác bị phiến quân Hồi giáo chiếm giữ.

Trước đó, cùng ngày, Pháp đã thừa nhận tiến hành một đợt không kích nhằm hỗ trợ chính phủ Mali đẩy lùi các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo.

Theo các nhân chứng, ngày 10/1, binh sĩ cùng vũ khí nước ngoài đã đến Mali, trong bối cảnh Tổng thống nước này Dioncounda Traor vừa kêu gọi Liên Hợp Quốc và Pháp hỗ trợ đẩy lùi phiến quân Hồi giáo có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Máy bay quân sự chở vũ khí và binh sĩ nước ngoài được cho là đã đáp xuống một căn cứ quân sự tại Sevare, ở gần thị trấn Konna.

Mali từng là một trong những quốc gia ổn định nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây, quốc gia Tây Phi này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012. Tình trạng rối ren đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc, đồng thời tuyên bố ly khai và lập ra "Nhà nước Azawad” áp dụng luật Hồi giáo Sharia hà khắc./.