Ngày 11/1, Pháp tiến hành một đợt không kích tại Mali nhằm hỗ trợ chính phủ nước này đẩy lùi các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại thủ đô Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói: “Chúng tôi đã tiến hành một cuộc không kích tại Mali. Từ vài ngày qua, tình hình đã xấu đi nghiêm trọng khi nhóm khủng bố đã tấn công vào miền Nam Mali. Mục tiêu của nhóm này rất rõ ràng. Đó là khống chế toàn bộ Mali để thành lập một nhà nước khủng bố tại đây. Đây là lý do tại sao các quan chức Mali kêu gọi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Pháp giúp họ can thiệp quân sự khẩn cấp”.
Lực lượng quân đội Mali được điều động đến bảo vệ dinh Tổng thống (Ảnh: AFP) |
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho biết, Pháp hỗ trợ quân sự theo yêu cầu của Mali để nước này đối phó với các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo.
Hôm 10/1, Tổng thống Mali Dioncounda Traore kêu gọi Liên Hợp Quốc và Pháp hỗ trợ đẩy lùi phiến quân Hồi giáo có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda sau khi các phiến quân chiếm thị trấn chiến lược Konma và đang áp sát thị trấn trọng yếu Mopti do chính phủ kiểm soát và là cửa ngõ đi về phía Nam. Tuy nhiên, ngày 11/1, được sự yểm trợ của lực lượng nước ngoài, quân đội Mali đã mở cuộc phản công nhằm vào phiến quân Hồi giáo trong nỗ lực ngăn chặn đà tiến quân của nhóm vũ trang này.
Trước đó, ngày 10/1, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã triệu tập phiên họp khẩn về cuộc khủng hoảng tại Mali. Các nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp hối thúc nhanh chóng thực thi kế hoạch triển khai lực lượng can thiệp do châu Phi đứng đầu nhằm giúp chính phủ Mali đẩy lùi cuộc tiến công của các tay súng Hồi giáo.
Mali từng là một trong những quốc gia ổn định nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây, quốc gia Tây Phi này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012. Tình trạng rối ren đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc, đồng thời tuyên bố ly khai và lập ra "Nhà nước Azawad” áp dụng luật Hồi giáo Sharia hà khắc./.