Động thái này của phe biểu tình là nhằm tận dụng sự bất mãn của người dân tại khu vực nông thôn, nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì chương trình hỗ trợ giá gạo gây tranh cãi của Chính phủ nước này.
Nông dân Thái Lan biểu tình trước trụ sở Bộ Thương mại nước này hôm 6/2 (Ảnh: Reuters) |
Năm 2011, Chính phủ Thái Lan đã quyết định mua gạo của nông dân nước này với giá cao hơn giá thị trường thế giới để tăng thêm thu nhập cho họ. Nhưng chương trình trợ giá gạo này không chỉ đã khiến Thái Lan mất vị trí quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới từ năm 2012, mà còn bị chỉ trích là đã dẫn đến tình trạng tham nhũng, làm hao hụt công quỹ và khiến lượng gạo tồn kho ngày càng lớn (khoảng 20 triệu tấn) và Chính phủ không có tiền để trả cho nông dân.
Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến việc phong trào biểu tình chống chính phủ bùng nổ ở Thái Lan suốt ba tháng qua. Lãnh đạo phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban đã nhân vụ công ty Trung Quốc hủy hợp đồng mua gạo để lên án chính sách trợ giá gạo xuất khẩu mà ông cho là chỉ để nhằm mua phiếu cử tri cho đảng cầm quyền.
Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên của lực lượng biểu tình, Akanat Promphan cho hay: “Ngày 7/2, chúng tôi sẽ diễu hành qua các khu vực kinh doanh ở Silom để quyên góp tiền, phân phát cho nông dân… Đây mới là cách để có được tiền từ những người giàu chia cho người nghèo”. Theo tờ Bangkok Post, hôm qua (6/2) các nhóm nông dân đến từ một số tỉnh đã biểu tình rầm rộ bên ngoài trụ sở Bộ Thương mại ở thủ đô Bangkok. Tuy nhiên, Prasit Boonchoey, người đứng đầu Hiệp hội Nông dân Lúa gạo Thái Lan đã lên tiếng phủ nhận việc ủng hộ lãnh đạo lực lượng biểu tình Suthep Thaugsuban.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, ông Prasit Boonchoey nói: “Đây là vấn đề của những người nông dân và chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc biểu tình của ông Suthep. Chúng tôi chỉ đòi hỏi những gì chúng tôi đáng được hưởng, đó là tiền mà Chính phủ nên trả cho chúng tôi”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội nông dân miền bắc Kittisak Rattanawaraha cho hay: “Chính phủ lâm thời sẽ không có cách nào để có thể huy động được tài chính trả cho chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi lại gây sức ép để các quan chức Chính phủ phải ra đi”.
Tuy nhiên, ông Kittisak khẳng định, quan điểm của các thành viên thuộc Hội nông dân miền bắc không phù hợp với quan điểm của ông Suthep và hội của ông không có kế hoạch tiến vào Bangkok mặc dù nhiều nông dân đã nhận được những lời hứa hẹn hỗ trợ tiền bạc của lực lượng chống Chính phủ.
Trước đó, ngày 6/2, báo Nation của Thái Lan dẫn lời Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra cho biết, việc chậm trễ thanh toán cho nông dân trong chương trình trợ giá gạo là do Quốc hội phải giải tán tháng 12/2013.
Bà Yingluck cho rằng Chính phủ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn tài chính khi ở tình trạng "tạm quyền". Ngoài ra, chương trình trợ giá gạo còn bị Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia điều tra./.