Một ngày sau khi cuộc bầu cử diễn ra tại Thái Lan, người biểu tình chống chính phủ nước này vẫn tiếp tục lên kế hoạch nhằm lật đổ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và đòi hủy bỏ kết quả bầu cử. Những diễn biến hiện nay tại Thái Lan cho thấy cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng qua tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này được cho là sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức phía trước. 

591452.jpg
Người biểu tình Thái Lan vẫn tiếp tục tuần hành tại Bangkok (Ảnh: Bangkok Post).

Dù cuộc bầu cử đã kết thúc, song người biểu tình hôm nay (3/2) vẫn tiếp tục diễu hành qua khu vực trung tâm thủ đô Bangkok mang theo cờ và các biểu ngữ phản đối cuộc bầu cử, nhằm kêu gọi hủy bỏ kết quả bầu cử. Họ còn quyên góp tiền hỗ trợ thủ lĩnh biểu tình là ông Suthep. Ông Suthep cho rằng tỉ lệ cử tri đi bầu thấp trong cuộc bầu cử ngày hôm qua là bằng chứng cho thấy người dân Thái Lan không hài lòng với cuộc bầu cử. Tuy nhiên, vì lí do an ninh, ông Suthep Thuagsuban hiện đang cho dọn dẹp 2 trong số 7 nút giao thông lớn mà người biểu tình đã cắm trại nhằm gây tê liệt thủ đô Bangkok kể từ giữa tháng trước. 

Cuộc bầu cử tại Thái Lan hôm qua đã bị gián đoạn do những người biểu tình bao vây các trụ sở văn phòng địa phương, ngăn cản việc vận chuyển phiếu và hòm phiếu đến các điểm bầu cử tại nhiều khu vực trong cả nước. Do đó, kết quả kiểm phiếu sẽ được gửi lên Uỷ ban bầu cử và được công bố sau đợt bầu cử bổ sung tại các điểm bỏ phiếu bị người biểu tình cản trở. Đảng cầm quyền Vì nước Thái hôm nay cũng kêu gọi Uỷ ban bầu cử tiếp tục hoàn tất quá trình tổng tuyển cử.
 Tổng thư ký Đảng Vì nước Thái, ông Boontham Vejchayachai nói: “Nhiệm vụ của việc duy trì nền dân chủ vẫn chưa được hoàn thành. Chúng tôi đang đưa ra sự hỗ trợ tinh thần cho người dân Thái Lan nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ này và thực hiện các quyền lợi của người dân trong cuộc bầu cử tiếp theo. Bởi vì theo pháp luật, chúng ta vẫn có thời gian để tiến hành cuộc bầu cử này và ủy ban bầu cử cần phải làm việc này cho đến khi cuộc tổng tuyển cử được hoàn tất.”

 Tuy nhiên, do lo ngại bất ổn leo thang, đáp lại yêu cầu trên của chính phủ Thái Lan, Uỷ ban bầu cử cho rằng chưa thể tiếp tục tổ chức bầu cử trong khi xung đột vẫn tiếp diễn như hiện nay. Thành viên Uỷ ban bầu cử Somchai Sisutthiyakorn cho biết: “Chính phủ cần phải trả lời Uỷ ban bầu cử rằng khi nào xung đột và bất ổn mới chấm dứt. Sau khi xung đột và bất ổn kết thúc, chúng tôi mới có thể tổ chức một cuộc bầu cử mới trong vòng 7 ngày. Các cuộc bầu cử sẽ thành công khi tình hình chính trị ổn định. Cuộc bỏ phiếu sẽ được hoàn thành nếu các phe phái chính trị giải quyết được những bất đồng của họ. Chừng nào xung đột vẫn còn thì cuộc bầu cử sẽ không thể thành công được.”

Cuộc bầu cử ngày 2/2, với sự tẩy chay của phe đối lập chính tại Thái Lan, gần như chắc chắn sẽ đưa bà Yingluck trở lại nắm quyền. Tuy nhiên, dù có thể tiếp tục trở thành Thủ tướng Thái Lan thì các vấn đề mà bà Yingluck phải đối mặt vẫn chưa thể chấm dứt. Nhiều khả năng cuộc bầu cử này sẽ không thể thay đổi những xung đột chính trị giữa các đảng phái tại Thái Lan, cũng như không thể chấm dứt sự chia rẽ, vốn đã  kéo dài suốt nhiều năm qua giữa một bên là tầng lớp trung lưu tập trung tại thủ đô Bangkok và một bên là đa số người nghèo ở nông thôn ủng hộ gia đình Shinawatra./.