Văn kiện đã 2 lần bị cơ quan lập pháp Anh bác bỏ. Tuy nhiên, khả năng về một cuộc bỏ phiếu thứ 3 cũng là chưa chắc chắn khi lãnh đạo Hạ viện John Bercow mới đây tuyên bố thỏa thuận sẽ không thể tiếp tục được đưa ra bỏ phiếu nếu không có sự thay đổi căn bản.

file_20181002_85614_vu0p6l_sypi.jpg
Ảnh minh họa: BBC.

Chủ tịch Hạ viện John Bercow hôm qua (18/3) cho rằng, Chính phủ Anh không thể tiếp tục đưa những đề xuất vốn đã bị bác bỏ 2 lần trước đó ra bỏ phiếu. Ông thậm chí còn viện dẫn tiền lệ từ năm 1604, theo đó quy định của Quốc hội nêu rõ những đề xuất về cơ bản vẫn được giữ nguyên thì không thể mang ra bỏ phiếu tại Hạ viện nhiều hơn một lần trong một kỳ họp. Đây là lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ qua, một chủ tịch Hạ viện Anh lật lại quy định này.

Dù khẳng định, Chính phủ Anh vẫn có thể đề nghị bỏ phiếu với một đề xuất mới, không giống hệt những đề xuất đã được đưa ra và bị bác bỏ trong các cuộc bỏ phiếu lần lượt diễn ra giữa tháng 1 và cuối tháng 2/2019, song rõ ràng lãnh đạo Hạ viện đã đặt “điều kiện khó” cho Chính phủ của Thủ tướng Theresa May.

“Nếu chính phủ muốn đưa ra một đề xuất mới, hoàn toàn khác với đề xuất đưa ra bỏ phiếu hôm 12/03 vừa qua, thì điều này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, sẽ là không hợp pháp nếu họ đưa ra cùng một đề xuất hay về cơ bản là giống với đề xuất là họ đã đưa ra hồi tuần trước. Kết luận này không nên được hiểu là quyết định cuối cùng mà chỉ đơn giản là một bài kiểm tra đối với Chính phủ để có thể thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu hợp pháp tại Nghị viện”.

Tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện John Bercow cũng đã đẩy cuộc khủng hoảng hiến pháp ở Anh lên đến đỉnh điểm, chỉ 11 gày trước thời hạn chót mà nước này phải chính thức rời Liên minh châu Âu (29/03). Trong một phản ứng đầu tiên, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết dù thông tin được đưa ra bất ngờ, nhưng Chính phủ Anh đã tiếp nhận và cân nhắc kết luận một cách kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, ngay trong những giờ đầu tiên sau tuyên bố, ông John Bercow đã nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ theo tư tưởng hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Theresa May. Các nghị sĩ này luôn chỉ trích thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu đạt được hồi cuối năm ngoái, cho rằng việc Anh “quá nhún nhường” có thể giúp duy trì quan hệ quá gần gũi với Liên minh châu Âu hậu Brexit, song lại khiến nước này không có quyền bỏ phiếu về bất kỳ vấn đề gì của khối.

Tại cuộc bỏ phiếu hôm 15/01, 432 trên tổng số 650 nghị sĩ đã bỏ phiếu chống văn kiện. Lần bỏ phiếu thứ 2 hôm 12/3, vẫn còn 391 nghị sĩ vẫn kiên quyết nói “không” và đáng chú ý là 75 trên tổng số 314 nghị sĩ bảo thủ bất mãn với Thủ tướng quyết đứng về phe những người đối lập.

Dẫu vậy, Thủ tướng Theresa May dường như lại khá tự tin với lần bỏ phiếu thứ 3 này khi tiếp tục gia tăng sức ép với các nghị sĩ. Theo bà, nếu thỏa thuận của bà không được thông qua, tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu như cam kết với các cử tri sẽ bị trì hoãn vô thời hạn và nước Anh sẽ buộc phải tham gia các cuộc bầu cử châu Âu vào cuối tháng 5/2019.

Trong suốt những ngày qua, bà Theresa May đã tăng cường các nỗ lực nhằm thuyết phục Đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland, có tiếng nói quyết định trong tiến trình bỏ phiếu. Một sự thay đổi về lập trường của đảng Hợp nhất Dân chủ có thể khiến các nghị sĩ Bảo thủ thay đổi ý kiến. Hồi cuối tuần, trả lời hãng tin BBC, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond cũng thừa nhận, cuộc bỏ phiếu chỉ có thể diễn ra nếu có đủ các nghị sĩ Bảo thủ và Đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland sẵn sàng ủng hộ./.