Đây là lần bỏ phiếu thứ 3 liên tiếp tại Quốc hội Anh liên quan đến thỏa thuận Brexit đạt được giữa Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu năm 2018. Bế tắc trong việc phê chuẩn thỏa thuận tại Hạ viện đang khiến dư luận Anh không khỏi quan ngại về tương lai của nước Anh - 3 năm sau ngày diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016.

merlin_151955718_f68bc3c1_4db4_42c7_8335_83b8e86b4a03_articlelarge_vhon.jpg
Ảnh minh họa: Sky News.

Với 312 phiếu chống và 308 phiếu thuận, Quốc hội Anh hôm qua (13/3) đã bỏ phiếu loại phương án Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) mà không có thỏa thuận. Động thái này đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ phải đứng trước lựa chọn lùi thời hạn Brexit. Phát biểu tại Quốc hội sau phiên bỏ phiếu, Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo nước Anh sẽ phải đối mặt với việc trì hoãn Brexit dài ngày, nếu như các nghị sĩ vẫn không ủng hộ thỏa thuận của bà. Theo bà May, việc trì hoãn Brexit cũng đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ phải tham gia bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019.

“Hạ viện cần hiểu rõ và chấp nhận thực tế. Nếu Hạ viện không sẵn sàng ủng hộ thỏa thuận trong những ngày tới và chưa sẵn sàng ủng hộ việc ra đi mà không có thỏa thuận vào ngày 29/3 tới thì điều tất nhiên là phải gia hạn điều 50 hiệp ước Lisbon. Việc gia hạn sẽ buộc nước Anh phải tham gia bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới”.

Trong ngày hôm qua (13/3), Thủ tướng Anh cũng đã quyết định đệ trình Hạ viện bản kiến nghị tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới về thỏa thuận Brexit trong thời gian từ nay tới ngày 20/3 tới. Trong bản kiến nghị gửi tới Hạ viện Anh trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu về việc có lùi thời hạn nước Anh rời Liên minh châu Âu hay không, Thủ tướng May kêu gọi Hạ viện một lần nữa xem xét để thông qua thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu thống nhất tháng 11/2018 và đã sửa đổi một vài điểm liên quan điều khoản “chốt chặn”, cho rằng chỉ có như vậy, thời điểm nước Anh rời Liên minh châu Âu vào ngày 29/3 mới có thể được gia hạn.

Ủng hộ quyết định của nữ Thủ tướng, không ít Bộ trưởng Nội các Anh cũng đã lên tiếng kêu gọi Quốc hội sớm thông qua thỏa thuận để nước Anh có thể ra đi đúng thời điểm đã định.

Trong một tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Tư pháp Anh cho biết: “Đã 2 lần Quốc hội có cơ hội để tôn trọng trưng cầu ý dân và rời EU. Đây là điều chúng ta nên làm. Việc rời EU mà không có thỏa thuận sẽ gây hại cho nền kinh tế Anh, tác động tới việc làm, lĩnh vực tài chính và an ninh quốc gia Anh. Tôi e rằng, nó cũng gây hại cho sự toàn vẹn của nước Anh. Đã đến lúc chúng ta phải bác bỏ nguy cơ rời EU vào ngày 29/3 mà không có thỏa thuận”.

Nhiều chủ doanh nghiệp Anh khi được hỏi đã bày tỏ quan ngại về tiến trình Brexit hiện nay sau khi Quốc hội Anh 2 lần bác thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu phải rất vất vả mới đạt được hơn 2 năm qua. Nhiều người bày tỏ hy vọng, Quốc hội Anh sẽ chấm dứt bất ổn cho tiến trình Brexit.

Một chủ doanh nghiệp nói: “Cửa hàng và các doanh nghiệp Anh đã thay đổi rất nhiều sau cuộc trưng cầu ý dân, vốn đem lại nhiều vấn đề và giá cả tăng cao. Nếu người dân Anh đã bỏ phiếu rời đi thì nhà chức trách cần làm những việc để chuẩn bị cho sự ra đi của nước Anh, chứ không nên gây ra bất ổn, khó khăn về kinh tế cho những người lao động chúng tôi”.

Hiện đang có 2 kịch bản được đặt ra trước khi Quốc hội Anh bỏ phiếu có gia hạn thời điểm Brexit hay không. Nếu kết quả là “không”, nước Anh sẽ quay lại phương án rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận. Nếu kết quả là “có”, Chính phủ của Thủ tướng May sẽ phải đề xuất với Liên minh châu Âu về gia hạn thời điểm kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon.

Đây là kịch bản được giới chuyên gia nhận định là khả thi nhất song cũng kéo theo nguy cơ những bế tắc xoay quanh tiến trình Brexit sẽ còn kéo dài, đặt Chính phủ của Thủ tướng May trước nhiều khó khăn. Liên minh châu Âu từng cảnh báo sẽ không cho Thủ tướng Anh “cơ hội thứ 3” sau khi Hạ viện Anh ngày 12/3 vừa qua, một lần nữa bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh đã đạt được với khối này. Trong một diễn biến mới nhất, một người phát ngôn Ủy ban châu Âu giấu tên hôm qua (13/3) cảnh báo, nước Anh có 2 lựa chọn vào lúc này: “Có hoặc không có thỏa thuận” và Liên minh châu Âu đã sẵn sàng cho cả 2 kịch bản./.