Từ đầu tuần tới giờ, sau hai cuộc bỏ phiếu liên tiếp tại Hạ viện Anh, các nghị sỹ Anh vẫn chưa thể đồng ý với thỏa thuận chia tay mà Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã đàm phán với Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, Quốc hội Anh cũng bác bỏ việc chia tay châu Âu mà không có thỏa thuận.
(Ảnh minh họa: Polotico) |
Tình huống này buộc Quốc hội Anh phải tiến hành cuộc bỏ phiếu thứ ba vào tối 14/3 để thông qua đề xuất với EU về lùi thời điểm kích hoạt Brexit, theo luật định vào ngày 29/3. Kết quả cuộc bỏ phiếu này có giúp Anh và EU tránh được một cuộc chia tay trong đổ vỡ hay không?
1. Trong phiên bỏ phiếu tối qua tại Hạ viện Anh, đa số nghị sĩ Anh đã đồng ý lùi thời hạn thực thi Brexit tới ngày 30/6/2019, thay vì cột mốc 29/3 như quy định, tức là tạm hoãn thêm 3 tháng. Đây là kết quả đã được dự đoán trước bởi nếu không yêu cầu tạm hoãn Brexit thì có nghĩa là vào cuối tháng 3 này, nước Anh sẽ phải rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có bất cứ thoả thuận nào, kịch bản được cho là vô cùng nghiêm trọng với nền kinh tế Anh mà cũng đã bị chính Hạ viện bác bỏ dứt khoát vào hôm 13/3. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất từ phía Hạ viện Anh, để nó chính thức có hiệu lực thì cần phải có thêm 2 bước đi nữa.
Đầu tiên, là phải được EU chấp nhận. Trong tối 14/3, các lãnh đạo cấp cao của EU như Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker hay Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã tuyên bố, đề nghị này cần phải được 27 nước thành viên EU đồng thuận thông qua, dự kiến là tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào hai ngày 22-23/3 tới tại Brussels.
Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, châu Âu yêu cầu nước Anh phải mang đến một “thay đổi cụ thể” thì mới chấp thuận việc gia hạn này, tức là yêu cầu phía Anh phải phê chuẩn thoả thuận thoả thuận Brexit và EU và chính phủ Anh đã đạt được vào cuối tháng 11/2018.
Và đây cũng chính là chi tiết mà dựa vào đó, bà Theresa May đã ra tối hậu thư cho Hạ viện Anh vào ngày 13/3 và trong ngày hôm qua, các nghị sĩ Anh phải chấp nhận: đó là từ nay cho đến ngày 20/3, Hạ viện Anh sẽ phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu lần thứ 3 về thoả thuận Brexit, sau hai lần bị chính Hạ viện Anh bác bỏ, lần đầu tiên là giữa tháng 1/2019 và lần thứ hai vào ngày 12/3. Sở dĩ bà May chọn thời hạn ngày 20/3, chính là vì muốn có một kết quả rõ ràng trước khi Thượng đỉnh EU diễn ra.
Trong tình huống này, lại xuất hiện 2 kịch bản: nếu trong lần bỏ phiếu thứ 3 này, Hạ viện Anh thông qua thoả thuận Brexit, khi đó bà May sẽ yêu cầu EU tạm hoãn Brexit đến 30/6/2019 và theo giới phân tích, yêu cầu này sẽ được phía châu Âu chấp thuận tương đối dễ dàng. Nhưng nếu Hạ viện Anh lại bác bỏ lần nữa thoả thuận Brexit thì bà Theresa May sẽ rất khó thuyết phục EU chấp thuận lùi thời điểm thực thi Brexit đến cuối tháng 6/2019 bởi các quan chức châu Âu đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu hỏi “nước Anh muốn tạm hoãn Brexit để làm gì?” Nhìn chung, đây là một tình huống vô cùng phức tạp và mệt mỏi với tất cả các bên.
2. Hạ viện Anh đã phải chấp thuận tổ chức phiên bỏ phiếu thứ 3 về Brexit. Hôm qua (14/3) các nghị sĩ Anh còn tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác với kết quả là đa số ủng hộ “Brexit cứng” chứ không phải “Brexit mềm”. Như vậy là khác với hai ngày 12/3 và 13/3, trong ngày hôm qua, các cuộc bỏ phiếu đều được xem là thắng lợi cho bà May. Quan trọng nhất là giờ đây việc các nghị sĩ Anh buộc phải bỏ phiếu lần 3 về Brexit dường như cho thấy chiến lược của bà May bắt đầu có tác dụng.
Bản thân cuộc bỏ phiếu lần 3 này giống như một cái bẫy với Hạ viện Anh. Nếu Hạ viện Anh thông qua thoả thuận Brexit thì bà May coi như chiến thắng và việc lùi Brexit đến ngày 30/6 chỉ là quyết định mang tính kỹ thuật dễ dàng được EU chấp thuận. Như thế, nước Anh thậm chí cũng không cần tham gia cuộc bầu cử châu Âu.
Nhưng nếu Hạ viện Anh vẫn kiên quyết chống thoả thuận Brexit thì việc tạm lùi thời hạn thực thi Brexit nhiều khả năng sẽ bị châu Âu bác bỏ, hoặc sẽ kéo dài vô hạn định. Khi đó, trách nhiệm đẩy nước Anh vào khoảng trống hỗn loạn sẽ thuộc về Hạ viện Anh. Nói như bà May thì giờ là lúc các nghị sĩ Anh thoát ra khỏi lớp vỏ bảo vệ để lựa chọn một giải pháp chứ không đơn thuần là bỏ phiếu chống lại mọi lựa chọn và chờ đợi những nhượng bộ mà không bao giờ EU có thể chấp nhận, như là việc rời EU không thoả thuận rồi lại đàm phán với chính EU về một hiệp định tự do thương mại.
Dư luận Anh quan ngại trước thời điểm gia hạn Brexit
Về khả năng thành công của chiến lược này, giới phân tích nhận định, bà May hiện đang bắt đầu thu phục được một phần các nghị sĩ chống đối trong chính nội bộ đảng Bảo thủ, trong khi nhiều nghị sĩ khác cũng bắt đầu lung lay về việc chống thoả thuận Brexit đến cùng, do thời khắc quyết định đã quá cận kề với quá nhiều rủi ro. Vì vậy, trong phiên bỏ phiếu thứ 3, khả năng bà May thành công sẽ cao hơn hai lần trước, dù chưa chắc đã đạt được đa số. Chưa kể, giới quan sát nhận định là kể cả có thất bại lần 3, bà May cũng có thể sẽ yêu cầu bỏ phiếu lần 4, ngay trước ngày 29/3.
3. Đối với việc Hạ viện Anh đề nghị gia hạn đến cuối tháng 6/2019, cần thấy rõ là có hai quan điểm tiếp cận khác nhau trong nội bộ nước Anh. Các nghị sĩ Anh muốn gia hạn vì hy vọng trong thời gian gia hạn là 3 tháng, nước Anh có thể tìm kiếm một thoả thuận Brexit khác có lợi hơn với EU. Ngược lại, bà Theresa May chỉ chấp nhận phương án gia hạn như một giải pháp kỹ thuật, tức là việc gia hạn này phải đi cùng với việc Hạ viện Anh chấp nhận thoả thuận Brexit và thời gian gia hạn là để hai phía Anh và EU phê chuẩn thoả thuận này, đồng thời thống nhất các chi tiết kỹ thuật còn bất đồng.
Sở dĩ có quan điểm khác nhau này là vì bà Theresa May hiểu rất rõ rằng, châu Âu sẽ không thể nhượng bộ hơn nữa, sự kiên nhẫn của phía châu Âu đang cạn kiệt và việc chờ đợi EU đưa ra thêm nhân nhượng là phi thực tế, nhất là trong hơn 2 năm qua, khối này đặc biệt cứng rắn và đoàn kết hiếm thấy trong hồ sơ Brexit.
Trong khi đó, rất nhiều nghị sĩ Anh vẫn đang chờ đợi một thoả thuận Brexit tốt hơn từ EU mà lại không biết làm thế nào để đạt được. Một số nghị sĩ cực đoan (ultra-brexiter) thì chỉ muốn rời EU bằng mọi giá rồi biến nước Anh thành một "Singapore của châu Âu", tức là thực thi các chính sách kinh tế siêu tự do để biến Anh thành thiên đường thuế ngay cửa ngõ châu Âu.
Cuộc bầu cử châu Âu ban đầu cũng là một trong những yếu tố tác động đến lựa chọn lùi thời điểm thực thi Brexit nhưng qua các tuyên bố từ cả phía Anh và phía châu Âu trong ngày qua, và việc nước Anh xin lùi đến ngày 30/6/2019 thì có thể thấy là châu Âu hoàn toàn có thể cho phép Anh không tham gia cuộc bầu cử này mà chỉ không muốn Anh vẫn còn là thành viên EU trước khi Nghị viện châu Âu khoá mới họp phiên đầu tiên vào đầu tháng 7/2019. Trên thực tế, sẽ rất phi lý khi các cử tri Anh lại đi bỏ phiếu cho Nghị viện châu Âu khi đã biết chắc chắn nước Anh sẽ rời bỏ khối này, dù là dưới bất cứ hình thức nào./.