Sau khi ban hành trước những lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thì giờ đây châu Âu lại là bên chịu thiệt hại bởi các lệnh trừng phạt lại của Nga. 

Ngày 12/8, Cộng hòa Séc đã đề xuất tiến hành cuộc gặp Bộ trưởng Nông nghiệp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) để thảo luận cách thức giảm thiểu hậu quả, cũng như tìm kiếm giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau khi Nga cấm nhập khẩu thực phẩm và hàng hóa từ Liên minh châu Âu. 

nong_san_gdiy.jpgLệnh cấm của Nga đối với nông sản EU đã gây ra những tác động không nhỏ đến EU (Ảnh AP)

Bộ trưởng Nông nghiệp Séc Marian Jurecka, ngày 12/8 cho biết, ông đã đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Italy, hiện đang lãnh đạo Hội đồng Nông nghiệp và nghề cá châu Âu, sớm tiến hành cuộc gặp các Bộ trưởng Nông nghiệp Liên minh châu Âu để thảo luận và cùng nhau tìm kiếm giải pháp cho tình hình hiện nay.

Ông Jurecka cũng kêu gọi người dân tích cực mua và sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, trước hết là các sản phẩm thịt và sữa cũng như rau và hoa quả. 

Những động thái trên của Cộng hòa Séc diễn ra sau khi Nga ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt, cá, sữa, trái cây và rau quả từ Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia, Canada và Na Uy trong thời hạn một năm nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của châu Âu nhằm vào Nga trước đó. 

Trước khi Cộng hòa Séc lên tiếng, một loạt các nước thành viên Liên minh châu Âu  ở khu vực Baltic là Lithuania, Estonia, Ba Lan, Latvia cũng đồng loạt lên tiếng về những tổn thất mà họ phải gánh chịu sau khi Nga cấm nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp. 

Được biết, ngành chế biến các sản phẩm từ sữa của các quốc gia này đang gặp phải những thiệt hại nặng nề. Theo các nhà phân tích kinh tế, nếu kéo dài tình trạng này, Liên minh châu Âu sẽ một lần nữa lâm vào thảm cảnh bất hòa, tương tự như thời kỳ khủng hoảng nợ công năm 2010. 

Hiện mùa thu hoạch rau quả đang đến. Hàng chục năm nay rất nhiều trang trại trồng rau và hoa quả ở Hà Lan, Ba Lan, Hy Lạp, Tây Ban Nha… chỉ có một thị trường đầu ra duy nhất là Liên bang Nga. Nay điểm đến đó đã bị khóa chặt. 

Rau quả thu hoạch về nếu không tìm được nơi cất giữ thì chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ hỏng. Nếu sản phẩm làm ra không tiêu thụ được và tiền đền bù không có hoặc không thỏa đáng thì có thể dẫn tới bất ổn xã hội như các cuộc biểu tình, tuần hành trên các đường phố… 

Ông Machal Lachowicz, thành viên của Hiệp hội người trồng trái cây ở Ba Lan cho biết: "Mối quan hệ kinh tế là rất quan trọng đối với chúng tôi cho dù với Nga hay các nước khác. Bây giờ thị trường xuất khẩu hoa quả của chúng tôi sang Nga bị khép lại, chúng tôi phải đi tìm các thị trường khác quan tâm đến sản phẩm của chúng tôi. Nếu không điều này sẽ gây tâm lý bất ổn cho người nông dân". 

Còn đối với Nga, tại cuộc giao ban của Chính phủ, Thủ tướng Nga Dmitry Mevedev đã phải thừa nhận hệ lụy không ít thì nhiều cũng vẫn sẽ xảy ra.

Tuy nhiên theo thông báo, các khu vực sản xuất có khả năng thay thế và đáp ứng nhu cầu của thị trường Nga đã được hoạch định và đang triển khai. Các mặt hàng thiết yếu và bình dân thiếu hụt sẽ không đáng kể.

 Chỉ có các sản phẩm sữa, thịt, cá cao cấp có xuất xứ từ Tây Âu chắc chắn sẽ thiếu hụt trầm trọng và thậm chí sẽ không có mặt trên các kệ hàng. 

Một chủ nhà hàng của Nga nhận xét: “Tôi có thể khẳng định giá cả các mặt hàng thực phẩm sẽ tăng. Người dân có thể sẽ phải mua các sản phẩm thực phẩm với giá cao hơn, và giá bán của các đồ ăn của chúng tôi cũng sẽ cao hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tồn tại”. 

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ thiệt hại khoảng 40- 50 tỷ Euro trong 2 năm 2014-2015 do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga, cũng như lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng. Các biện pháp trừng phạt tiềm tàng của Nga gây lo ngại cho các nước có nền kinh tế gặp khó khăn của Liên minh châu Âu. 

Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 336 tỷ Euro. 

Ban đầu khi đưa ra các biện pháp trừng phạt, Mỹ và châu Âu muốn ép Nga phải xuống thang căng thẳng và nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine. 

Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt qua lại này đang biến thành một cuộc chiến tranh kinh tế tác động nghiêm trọng tới quan hệ kinh tế, thương mại song phương. 

Kirill Entin, nhà phân tích kinh tế tại trường Trường Đại học Kinh tế của Nga nhận xét: “Những biện pháp trừng phạt tài chính và những rào cản về thuế đang làm hai bên tổn thất nặng nề. Các biện pháp trừng phạt này đang gây ảnh hưởng tới nền kinh tế của hai bên, gây ảnh hưởng đến thương mại và làm xấu đi môi trường đầu tư”. 

Giới phân tích quốc tế nhận định, các lệnh trừng phạt giữa Nga và Liên minh Châu Âu sẽ khó có thể kéo dài, hoặc hai bên sẽ sớm có những biện pháp cải thiện để tránh các tranh cãi đi quá xa, nhất là trong lĩnh vực kinh tế./.