Theo Tổng thư ký Ban Ki-moon, việc phong tỏa Dải Gaza được xem như một giải pháp mang tính "trừng phạt tập thể" đối với toàn thể người dân dải Gaza. Hành động này đã và đang bóp nghẹt cuộc sống của người dân, kiểm chế nền kinh tế và gây trở ngại đối với nỗ lực tái thiết khu vực này. 

gaza_flge.jpg
Viễn cảnh hòa bình cho Dải Gaza vẫn rất xa vời. (Ảnh: AFP)

Lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra chỉ một ngày sau khi Israel tuyên bố việc phong tỏa Dải Gaza theo đường biển sẽ vẫn được duy trì theo một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước.

Trước đó, cùng ngày Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận nhằm bình thường hóa quan hệ và chấm dứt những rạn nứt trong quan hệ giữa hai nước sau 6 năm gián đoạn.

Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn Israel sẽ dỡ bỏ phong tỏa dải Gaza. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cương quyết sẽ vẫn duy trì lệnh phong tỏa tại đây song sẽ cho phép việc vận chuyển hàng cứu trợ được chuyển vào Dải Gaza thông qua các cảng biển của Israel.

Theo phía Israel, việc phỏng tỏa Dải Gaza sẽ ngăn chặn hoạt động của phong trào Hamas và ngăn vật liệu xây dựng được Hamas sử dụng để làm hầm ngầm và các hầm quân sự tại đây.

Người dân Palestine đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động của Israel cho rằng, cuộc sống của họ bị kìm kẹp và không thể xây dựng lại các ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc chiến tranh năm 2014./.