Bên cạnh những ý nghĩa to lớn đối với mỗi nước thì việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là sẽ đem lại tác động tích cực cho tình hình khu vực, đặc biệt là trên Dải Gaza.

isr_tur_zdxd.jpg
Thỏa thuận hòa bình Israel-Thổ Nhĩ Kỳ đem lại hy vọng cải thiện tình hình ở Dải Gaza. Ảnh AP

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel xấu đi vào năm 2010 vì vụ 10 nhà hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng khi Israel chặn tàu chở hàng cứu trợ của họ tới Dải Gaza, vốn chịu phong tỏa của Israel.

Việc Israel và Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa quan hệ được đánh giá là một cách tái tiếp cận hiếm có trong bối cảnh Trung Đông ngày càng chia rẽ sâu sắc hiện nay.

Phát biểu trong chuyến thăm 2 ngày đến khu vực Trung Đông để gặp các nhà lãnh đạo Israel và Palestine nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhận định: “Tôi hoan nghênh tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một tín hiệu quan trọng và đầy hy vọng cho sự ổn định của khu vực”.

Trước đó, ngày 26/6, Tổng tống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cam kết với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, thỏa thuận này sẽ cải thiện tình hình nhân đạo trên Dải Gaza.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết, con tàu đầu tiên chở 10.000 tấn hàng hóa sẽ đến Gaza vào ngày 1/7 tới. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển hàng viện trợ đến cảng Ashdod và để an ninh Israel kiểm tra trước khi đưa vào Dải Gaza. Số hàng này bao gồm nước uống và vật liệu xây dựng bệnh viện mới cho Dải Gaza.

Thỏa thuận cũng cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một loạt dự án nhân đạo ở Gaza, trong đó có việc hoàn thiện một bệnh viện và xây dựng một nhà máy điện mới.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng lệnh phong tỏa trên biển vì lý do an ninh đối với Dải Gaza vẫn còn hiệu lực: “Đây là lợi ích an ninh tối cao của chúng tôi. Tôi sẽ không thỏa hiệp. Lợi ích này là ngăn chặn Hamas xây dựng lực lượng lượng”.

Theo tờ Haaretz, nhật báo lâu đời nhất của Israel, nguy cơ số một dẫn tới một cuộc chiến mới với phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza là do điều kiện sống quá khắc khổ tại đây và việc cải thiện đời sống của người Palestine sẽ phần nào giảm bớt nguy cơ xung đột.

Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ tạo cho Israel một kênh trung gian đàm phán mới cho hòa bình Trung Đông cũng như trong những vấn đề khu vực khác. Đối với người dân Palestine, điều kiện sống trên Dải Gaza cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, điều đó không đáp ứng được nguyện vọng của người dân Palestine.

Một người dân ở Dải Gaza cho biết: “Thỏa thuận này không công bằng đối với người Palestine, nó chỉ có lợi cho Israel còn Dải Gaza vẫn sẽ như vậy. Gaza không chỉ cần nhà máy điện hay bệnh viện mà cần nhiều thứ khác nữa như việc cho phép chúng tôi tự do ra vào khu vực này”./.