Thủ tướng Libya Ali Zeidan ngày 8/5 thông báo sẽ tiến hành cải tổ Chính phủ trong ít ngày tới. Tuy nhiên, tuyên bố trong cuộc họp báo tại thủ đô Tripoli, Thủ tướng Zeidan không đề cập danh sách cụ thể các Bộ sẽ tiến hành cải tổ mà chỉ cho biết, việc cải tổ sẽ tuân thủ theo đúng quy định của luật "Cách li chính trị" vừa được Quốc hội thông qua.

Thủ tướng Chính phủ lâm thời Libya Ali Zeidan nói: "Việc cải tổ Nội các cùng danh sách các Bộ trưởng sẽ được thông báo cụ thể trong ít ngày tới. Tất cả các Bộ trưởng sẽ là người của chế độ cầm quyền mới. Vấn đề này đã được quy định rõ ràng và chi tiết trong luật Cách li chính trị vừa được Quốc hội thông qua. Chúng tôi thực hiện theo đúng quy định của luật".

Tuyên bố cải tổ Nội các do Thủ tướng Ali Zeidan đưa ra sau nhiều ngày liên tiếp trụ sở Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp tại Tripoli bị những người vũ trang tự xưng là "cách mạng" vây hãm. Yêu sách những người vũ trang này đưa ra là Thủ tướng Ali Zeidan phải từ chức và triệt để thanh lọc các nhân vật thuộc chế độ cũ khỏi bộ máy cầm quyền hiện nay.

Ngay sau tuyên bố cải tổ Nội các của Thủ tướng Ali Zeidan, những người vũ trang bao vây trụ sở Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp, đã rút bớt phần lớn các xe ô tô trang bị súng máy và súng phòng không khỏi khu vực trụ sở hai bộ. Tuy nhiên, hàng chục người vũ trang trong trang phục quân đội vẫn tiếp tục án ngữ các lối vào hai bộ.

thu%20tuong%20libya%20ali%20zeidan.jpg
Thủ tướng Libya Ali Zeidan (ảnh: scmp.com)

Cùng lúc, Hãng thông tấn Libya cho biết, những người vũ trang đã chấp nhận rút tất cả xe quân sự khỏi khu vực hai bộ, sau khi các bên đạt được thỏa thuận về việc những người "vũ trang cách mạng" sẽ tham gia bảo vệ trụ sở hai Bộ Ngoại giao và tư pháp cho đến khi các bộ này được "bàn giao chính thức cho Nhà nước".

Trước những diễn biến mới nhất này tại Libya, một số nhà phân tích cho rằng, đây là bước tiến triển tích cực, có thể mở ra cơ hội tháo gỡ thế bế tắc chính trị kéo dài nhiều năm qua tại Libya. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát vẫn đánh giá một cách thận trọng rằng, tiến trình hòa giải tại quốc gia Bắc Phi còn rất nhiều thách thức. Nguyên nhân cơ bản vẫn là sự thiếu lòng tin và niềm tin giữa Chính phủ và những người từng tham gia trong cuộc cách mạng lật đổ nhà lãnh đạo Libya Gaddafi cách đây 2 năm.

Nhà phân tích chính trị Ahmed Al Atrash, giảng viên Khoa học Chính trị thuộc trưởng Đại học Tripoli nhận định: “Vấn đề mấu chốt ở đây là cuộc khủng hoảng lòng tin giữa hai bên. Hai bên vẫn chưa thể tiến tới đối thoại và chưa có sự thấu hiểu lẫn nhau.”

“Yêu cầu cấp thiết lúc này là phải khởi động đối thoại hòa giải dân tộc,” ông Atrash nói. “Diễn đàn này cần có sự tham gia của tất cả các bên, các lực lượng, bao gồm cả Quốc hội, Chính phủ và những người cách mạng, nhằm đạt tới một sự đồng thuận và một kế hoạch ưu tiên hành động trong giai đoạn tới, trong đó có việc tiến hành các cuộc bầu cử và xây dựng hiến pháp. Điều quan trọng nhất lúc này là các bên phải ngồi lại được với nhau"./.