Ngày 5/5, Quốc hội Libya thông qua luật “cách ly chính trị”. Luật “cách ly chính trị” được thông qua với 164 phiếu ủng hộ và chỉ có 4 phiếu phản đối. 

chu-tich-qh-libya.jpg
Theo quy định của luật cách ly chính trị, ông Mohammed Magarief, hiện đang là Chủ tịch Quốc hội Libya, đã từng là quan chức dưới thời cựu Tổng thống Gaddafi (Ảnh: the times)

Theo đó, luật  quy định cấm các quan chức từng phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Gaddafi giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ hiện nay. Ngoài ra, luật cũng cấm các quan chức dưới thời ông Gaddafi giữ vai trò lãnh đạo trong các công ty nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, các trường đại học và các cơ quan tư pháp.

Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn Quốc hội Libya, ông Omar Hmaiden cho biết: “Phiên họp hôm nay đánh dấu mốc lịch sử. Đó là quá trình lâu dài liên quan đến Luật cô lập chính trị. Quốc hội đã thông qua luật này. Vì vậy, hôm nay, chúng ta hãy cùng chúc mừng và gửi lời chúc mừng này tới  người dân Libya”.

Vẫn theo ông Omar Hmaiden, 1 tháng sau khi luật này được công bố (5/6), “Hội đồng  liêm chính tối cao quốc gia” sẽ xem xét để quyết định liệu có sa thải một số các quan chức từng phục vụ trong chế độ cũ ra khỏi chính phủ hiện nay hay không. Ông Hmaiden cho biết hiện nay có 15 nghị sỹ quốc hội và 5 bộ trưởng của chính phủ lâm thời đang trong diện bị điều tra, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Mohammed Magarief. Ông từng là đại sứ tại Ấn Độ dưới thời ông Gaddafi. Ngoài ra, Thủ tướng Ali Zeidan, một nhà ngoại giao dưới thời Gaddafi đã đào thoát sang phe đối lập lưu và sống vong vào năm 1980, cũng có thể là trong số những người bị điều tra, mặc dù điều này vẫn chưa rõ ràng.

Được biết, sau khi kết thúc xung đột, đa số người dân Libya tỏ ra không hài lòng với chính phủ hiện nay, đồng thời cho rằng, một số quan chức dưới thời ông Gaddafi tham nhũng nghiêm trọng. Do vậy, một số nghị sỹ đề nghị đã đưa đề xuất “Luật cách ly chính trị” lên quốc hội, yêu cầu những quan chức chế độ cũ không được đảm nhận chức vụ trong chính phủ hiện hành./.