Có thể nói chưa bao giờ hy vọng về một nền hòa bình bền vững tại Syria lại đến gần như lúc này. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra trong hơn một tuần qua tại Geneva, Thụy  Sĩ giữa các đảng phái đối lập Syria và dự kiến kết thúc trong ngày hôm nay (24/3) được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những bế tắc.

Các nước có vai trò chủ chốt như Nga, Mỹ và Đức cũng đang tăng cường những nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

syria_sgjo.jpg
Cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua khiến cơ sở hạ tầng ở Syria bị tàn phá nặng nề. (Ảnh: AFP)

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini hôm qua (23/3) đã có chuyến thăm bất ngờ tới Geneva, nơi đang diễn ra các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập Syria.

Bà Mogherini đã lần lượt có các cuộc gặp với đại diện phe đối lập, chính phủ Syria và Đặc phái viên Liên Hợp Quốcvề Syria Staffan de Mistura. Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp, các bên đều tỏ ra lạc quan khi tin rằng, vòng đàm phán đầu tiên diễn ra trong suốt 9 ngày qua tại Geneva sẽ giúp phá vỡ bế tắc ngoại giao, đồng thời cho biết, chuyến thăm Geneva của bà Mogherini là nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc đối thoại hòa bình Syria, cũng như để thúc đẩy các bên tham gia đàm phán với tinh thần xây dựng nhất nhằm chấm dứt khủng hoảng.

Bà Mogherini cho biết: “Điều cực kỳ quan trọng hiện nay, đó là tham gia ngay lập tức vào tiến trình chính trị với tinh thần tìm kiếm một giải pháp, mà không có bất kỳ sự trì hoãn hay trò chơi chính trị nào. Các cuộc đàm phán đang diễn ra dưới sự thúc đẩy của Liên Hợp Quốc, song tôi cũng muốn đưa ra lời kêu gọi rằng các bên cần nỗ lực nhằm sớm bắt đầu tiến trình chính trị tại Syria. Điều này là vì lợi ích của người dân Syria, của khu vực, của châu Âu và cộng đồng quốc tế”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngày đã tới thủ đô Moscow và dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 24/3, cũng trong nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua tại Syria. Chuyến thăm diễn ra chỉ hơn 1 tuần sau thông báo của Tổng thống Nga Putin rút các lực lượng chiến đấu của Nga tại Syria về nước.

Có thể nói, lệnh ngừng bắn mong manh đạt được giữa chính phủ Syria và các lực lượng đối lập, với sự thúc đẩy của Nga và Mỹ, cùng động thái rút quân một phần khỏi Syria của Nga đang đánh dấu một sự mở đầu cho những thay đổi trong lập trường của các bên đối với cuộc khủng hoảng Syria. Các quan chức Mỹ coi động thái của Nga là yếu tố then chốt để tạo đà cho cuộc hòa đàm do Liên Hợp Quốc bảo trợ tại Geneva.

Cùng với đó, những yêu cầu cấp bách mà cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu đặt ra cũng buộc các bên phải có những thay đổi về lập trường. Bởi cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria đã gây chia rẽ nghiêm trọng, thậm chí là dẫn tới đối đầu giữa các cường quốc phương Tây và khu vực, tạo cơ hội cho những kẻ khủng bố gia tăng hoạt động.

Cơ hội dù đang ở rất gần, nhưng vẫn cần nỗ lực của các bên. Bởi dù lạc quan, song các bên liên quan đều thừa nhận, khoảng cách vẫn còn quá lớn, chưa thể thu hẹp trong một sớm một chiều. Kết thúc vòng đàm phán thứ nhất, các bên sẽ bắt đầu xem xét tài liệu mà đặc phái viên Liên Hợp Quốc đưa ra tại Geneva. Theo nhiều nguồn tin, tài liệu này sẽ là một sự thử nghiệm tổng hợp lập trường của các bên nhằm đưa ra một tầm nhìn chung về tương lai của Syria./.