Hôm qua (23/3), Tổng thống Brazil Dilma Rousseff thừa nhận, chính phủ nước này đang nỗ lực thương lượng để Đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMBD) của Phó Tổng thống Michel Temer ở lại trong liên minh cầm quyền.

Động thái này đưa ra sau khi Đảng Phong trào Dân chủ Brazil cho biết, sẽ cân nhắc quyết định có tham gia liên minh cầm quyền nữa hay không trong bối cảnh những khó khăn đang bủa vây chính phủ của Tổng thống Rousseff liên quan đến vụ tham nhũng tại Petrobras và nền kinh tế yếu kém.

rousseff_duph.jpeg
Áp lực đang đè nặng lên Tổng thống Brazil Dilma Rousseff  sau những bê bối của Chính phủ. (Ảnh: politicoscope) 

Bà Rousseff khẳng định mong muốn Đảng Phong trào dân chủ Brazil ở lại trong thành phần Nội các, tuy nhiên bày tỏ hoàn toàn tôn trọng mọi quyết định của đảng này.

Đảng Phong trào dân chủ Brazil đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định số phận chính trị của bà Rousseff trong trường hợp Quốc hội tiến hành bỏ phiếu buộc Tổng thống phải bãi nhiệm. Ngoài Phó Tổng thống Temer, Đảng Phong trào dân chủ Brazil còn có bảy Bộ trưởng trong Nội các của bà Rousseff cùng nhiều ghế trong Quốc hội. Nếu Tổng thống bị cách chức, ông Temer sẽ là người thay bà Rousseff tiếp tục điều hành đất nước tới hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2018. 

Báo chí Brazil đưa tin, trong những ngày này, ông Temer đang nhóm họp với phe đối lập, đặc biệt là các lãnh đạo của Đảng Xã hội Dân chủ Brazil (PSDB), để thúc đẩy vụ đưa bà Rousseff ra xét xử. Trước đó, Đảng Phong trào dân chủ Brazil  cũng thông báo, cuối tháng này sẽ đưa ra quyết định về việc có tiếp tục hợp tác với chính phủ của Đảng Lao động (PT) cầm quyền của bà Rousseff hay không.

Tuần trước, Đảng Cộng hòa Brazil (PRB) và Công đảng Brazil (PTB) trong liên minh cầm quyền với chính phủ và chiếm 40 trong tổng số 513 ghế ở Hạ viện, cũng đã rút khỏi liên minh với bà Rousseff.

Theo quy định, việc bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm Tổng thống sẽ được tiến hành trước tiên tại Hạ viện. Hiện một ủy ban đặc biệt ở Hạ viện gồm 65 nghị sĩ đang xem xét có tiến hành xét xử Tổng thống hay không. Phe đối lập cần tập hợp đủ 2/3 số phiếu, tức 342 phiếu ở Hạ viện mới có thể phế truất bà Rousseff, trong khi ở Hạ viện chỉ cần 41 phiếu.

Nếu 2/3 số Hạ nghị sỹ đồng thuận với việc luận tội bà Rousseff, vụ kiện sẽ tiếp tục được chuyển lên Thượng viện. Trong trường hợp này, bà Rousseff sẽ bị đình chỉ công tác trong 180 ngày và nếu 2/3 số Thượng nghị sỹ tại Thượng viện 81 ghế cho là bà có tội thì tổng thống sẽ bị phế truất. Tuy nhiên, theo ông Jaques Wagner, Bộ trưởng phụ trách nhân sự của Phủ Tổng thống, việc luận tội Tổng thống không phải là một giải pháp cho các vấn đề của đất nước.

Ông Wagner nói: “Trong một nền dân chủ, điều cần thiết là phải tôn trọng các phiếu phổ thông mà bạn bầu ra chính phủ cầm quyền. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ lớn nếu chúng ta tiến hành luận tội tổng thống để tước bỏ quyền lực của chính phủ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ đất nước. Thà rằng chúng ta kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm còn tốt hơn”.

Kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và những bê bối về tài chính, tham nhũng tại Petrobras là nguyên nhân khiến xã hội Brazil quay lưng lại với chính quyền. Nguy cơ mất quyền lực khiến bà Rousseff có hành động tự vệ là tái bổ nhiệm cựu Tổng thống Lula da Silva làm Chánh văn phòng Nội các. Tuy nhiên, một bê bối mới lại bị phanh phui khi đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện của bà Rousseff bị tiết lộ cho thấy mục đích chính của việc làm này là giúp người tiền nhiệm Lula da Silva, và cũng là người cố vấn quan trọng của bà, tránh khỏi việc bị truy tố hình sự về các cáo buộc liên quan tại Petrobras.

Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với bà Rousseff hiện chỉ còn khoảng 10% và có hơn 60% người Brazil ủng hộ vụ kiện mà phe đối lập đang thúc đẩy nhằm vào chính quyền của bà  Rousseff./.