Liên minh châu Âu đã chỉ trích Belarus cố tình để cho hàng nghìn người di cư tự do di chuyển tới biên giới với EU để đáp trả sau khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan tình hình chính trị, nhân quyền tại nước này. Về phần mình, Belarus luôn bác bỏ các cáo buộc này và cho rằng EU cần có trách nhiệm giải quyết vấn đề di cư hiện tại chứ không phải đổ lỗi cho nước này.
Giọt nước tràn ly
Việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến những căng thẳng hiện nay tại biên giới giữa EU và Belarus. Động thái này được giới quan sát ví như là giọt nước làm tràn ly.
Từ năm 2004, khi ông Lukashenko chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống thứ 3 của mình, EU đã bắt đầu thực thi những biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này, khiến quan hệ hai bên trở nên xa cách. Điều đó gián tiếp khiến Belarus ngày càng trở nên gắn bó mật thiết với Nga.
Sau hơn 10 năm áp đặt những rào cản, đến năm 2016, khi ông Lukashenko bước vào nhiệm kỳ thứ 5, các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức ủng hộ ông được dỡ bỏ vì "EU muốn tìm kiếm mối quan hệ hợp tác mới". Tuy nhiên, tình hình chỉ căng thẳng trở lại vào tháng 8/2020, khi ông tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống thứ 6 kèm theo những cáo buộc gian lận từ phe đối lập và dẫn tới hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra khắp cả nước - những điều đó đã khiến EU tái áp đặt một số biện pháp trừng phạt.
Kể từ đó, các quốc gia châu Âu có biên giới với Belarus, bao gồm Litva, Latvia và Ba Lan, đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng người tị nạn cố gắng vượt biên vào EU. Thậm chí, khi làn sóng di cư xảy ra, các quốc gia thành viên EU buộc phải đặt tình trạng khẩn cấp ở khu vực biên giới đồng thời EU cáo buộc Belarus đã cố tình sử dụng quân bài người di cư và tị nạn để gây áp lực đến EU nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt. Tất nhiên chính phủ Belarus đã phủ nhận những cáo buộc đó đồng thời đáp trả ngược lại rằng EU đã vi phạm nhân quyền bằng cách từ chối người dân đi lại, trái với các quy tắc quốc tế về tị nạn.
Nhìn lại quãng thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của tổng thống Alexander Lukashenko, phương Tây luôn coi Belarus là một quốc gia thiếu dân chủ, có nhiều vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Belarus lại nổi lên là một đối tác quan trọng, khi trở thành cánh cửa để xuất khẩu khí đốt từ Nga sang EU, đặc biệt là từ khi tình hình ở Ukraine trở nên bất ổn. Vì thế, việc tìm giải pháp cải thiện mối quan hệ của hai bên nhất là trong vấn đề di cư rõ ràng là nội dung được quan tâm đặc biệt hiện nay.
Đối với EU, giải quyết vấn đề Belarus cũng là một phần của giải pháp bảo vệ một "huyết mạch" quan trọng của EU, cũng như nằm trong tiến trình cải thiện quan hệ với Nga. Về phía Belarus, EU là đối tác thương mại chính thứ hai của Belarus sau Nga, chiếm 19,3% tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của cả nước, đạt 10,4 tỷ euro vào năm 2020. Do đó có thể thấy, trong bối cảnh bị áp đặt nhiều lệnh trừng phạt thì việc đánh vào yếu huyệt của một châu Âu vẫn còn ám ảnh sau cuộc khủng hoảng di cư năm 2016 rõ ràng là bước đi có sự tính toán của chính quyền tổng thống Lukashenko để đạt được những thỏa thuận phù hợp trong tương lai.
Chưa thể tháo gỡ nút thắt
Sau thời gian dài leo thang xung đột ở biên giới, trước những động thái cứng rắn vừa qua, Ba Lan và Latvia vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào để giải quyết vấn đề người di cư. Các hành động hiện nay của cả hai nước mới chỉ là giải pháp tạm thời chứ chưa phải cách thức giải quyết tận gốc vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay, đặc biệt trong bối cảnh biên giới hai nước với Belarus đang có nguy cơ leo thang quân sự. Các động thái vừa qua của các quốc gia này cũng muốn tái khẳng định vị trí của mình đối với EU khi đóng vai là “người bảo vệ” biên giới của Châu Âu chống lại một cuộc xâm lược từ phía Đông…
Trong bối cảnh hàng nghìn người di cư đang sống trong tình trạng đặc biệt khó khăn, đối mặt với điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, mất vệ sinh ở khu vực biên giới EU, tình hình này đang gián tiếp tạo ra sức ép lên vai các nhà lãnh đạo EU và đặt ra yêu cầu bức thiết xử lý khủng hoảng này.
Trước đây, Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối việc xây dựng các bức tường ngăn chặn người di cư và cho rằng đây chỉ một biện pháp khắc phục ngắn hạn không phù hợp với các giá trị của châu Âu. Ngay cả khi một số thành viên của khối này bắt đầu dựng hàng rào ngăn người di cư trong thời gian qua, EU vẫn khẳng định đó là điều khối này không mong muốn và sẽ không tài trợ cho các bức tường bảo vệ biên giới này. Như vậy, với một châu Âu đang chia rẽ trong quan điểm xử lý vấn đề người di cư, khi các bên chưa tìm được tiếng nói chung thì rõ ràng khủng hoảng di cư hiện tại sẽ ngày càng trở nên hiện hữu. Với tình hình hiện tại, sức ép từ các quốc gia thành viên, sức ép từ bài học xương máu trong khủng hoảng di cư 2016 cũng như những tác động, ảnh hưởng của Nga tới khu vực này, rõ ràng châu Âu sẽ phải có phương pháp tiếp cận mới phù hợp hơn trong tương lai. Tuy nhiên, có lẽ điều cần làm trước mắt là tìm một tiếng nói chung trong việc hỗ trợ các quốc gia tuyến đầu ứng phó với tình hình hiện tại và giải quyết khủng hoảng di cư của khối là chứ không chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt cho Belarus.
Mặt khác, là một trong những vị trí quan trọng ở sườn phía đông của EU, tuy nhiên Ba Lan vẫn chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu kể từ tháng 8/2021 tới nay trong bối cảnh nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng người di cư. Các biện pháp EU đưa ra hiện tại chủ yếu là các biện pháp trừng phạt tập trung vào Belarus. Giới phân tích cho rằng, khác với vấn đề di cư qua cửa ngõ Nam Âu, cuộc khủng hoảng tại biên giới phía Đông với Belarus không đơn thuần chỉ là vấn đề nhân đạo mà đi kèm đó là cả các vấn đề chính trị. Do đó, có thể hiểu cách tiếp cận của EU với cuộc khủng hoảng mới cũng có những điểm khác nhất định và một sự thận trọng cần thiết, nhất là động thái mới đây của Belarus trong ngày 19/12, khi Ngoại trưởng Belarus đe dọa xem xét khả năng triển khai vũ khí hạt nhân để phản ứng lại các động thái cứng rắn của NATO và EU.
Cuộc khủng hoảng di cư hiện nay đang ngày càng thêm trầm trọng cũng bắt nguồn từ cách tiếp cận cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU) với vấn đề người di cư. EU cũng không thể làm ngơ trước diễn biến phức tạp hiện nay ở biên giới của các quốc gia trong khối, với những nguy cơ cho một cuộc khủng hoảng di cư mới đang hiện hữu trước mắt. Một châu Âu vẫn còn ám ảnh với cuộc khủng hoảng di cư 2016 chắc chắn khó có thể làm ngơ trước cảnh tượng trẻ em, phụ nữ và người dân vô tội sống trong điều kiện tồi tệ, dưới thời tiết băng giá, mắc kẹt giữa những rào thép gai và quân đội của hai nước Ba Lan - Belarus. Tuy nhiên, 3 thách thức đặt ra hiện nay với Liên minh châu Âu (EU) đó là EU cần phải đảm bảo được mỗi hành động đưa ra phải thể hiện sự đoàn kết của khối trong việc bảo vệ biên giới chung, thể hiện sự chia sẻ khó khăn với người di cư cũng như quan điểm rõ ràng về xử lý vấn đề khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở khu vực biên giới nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo sự kiên định cần thiết để bảo vệ tính tối cao của luật pháp châu Âu liên quan về vấn đề này.
Rõ ràng, Liên minh châu Âu sẽ cần có những tính toán để bảo vệ biên giới của mình, làm yên lòng các quốc gia thành viên cũng như giảm căng thẳng, bất ổn chính trị ở khu vực này. Trải qua nhiều cuộc họp thượng đỉnh, nhiều các biện pháp được các quốc gia đề xuất nhưng tới nay, EU vẫn đang thể hiện sự lúng túng của mình trong việc tìm kiếm một biện pháp phù hợp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng Liên minh châu Âu có thể sẽ phải điều chỉnh lại khung pháp lý liên quan tới người di cư để có cách tiếp cận phù hợp hơn với thực tế mới. Bởi lẽ, với các quy tắc hiện tại thì các quốc gia thành viên EU ở biên giới như Địa Trung Hải, Đông Âu sẽ phải gánh chịu trách nhiệm nặng nề đầu tiên khi khủng hoảng di cư xảy ra, mà đó là điều không quốc gia nào ở khu vực này mong muốn. Do đó, chính trong nội bộ châu Âu cũng đang có những bất đồng trong cách thức tiếp cận và xử lý vấn đề người di cư hiện tại.
Một vấn đề đáng lưu tâm khác, trước những thách thức khó lường trong bối cảnh thế giới đang biến động không ngừng, Liên minh châu Âu đang trong giai đoạn muốn tạo lập một môi trường ổn định ở khu vực phía Đông của mình chứ không phải chạy theo giải quyết các xung đột leo thang, do đó nhiều nhà lãnh đạo các nước EU đã thừa nhận rằng không thể bỏ qua vai trò của Nga trong việc định hình một cấu trúc an ninh mới cho “Lục địa già”, đặc biệt là với vấn đề của Belarus. Do đó, việc làm tan băng mối quan hệ Đông – Tây, cải thiện mối quan hệ với những lợi ích về kinh tế và năng lượng sẽ là ưu tiên đối thoại chiến lược với Belarus nói riêng và tiếp đó là Nga trong thời gian tới./.