Theo đó, Ba Lan đã áp đặt luật mới hạn chế quyền tự do đi lại gần khu vực biên giới với Belarus kéo dài 3 km sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc vào ngày 30/11. Còn tại Litva, Chính phủ đã yêu cầu Quốc hội gia hạn tình trạng khẩn cấp hiện tại ở biên giới cho đến ngày 9/1 và cho phép áp đặt các quy định kiểm tra đối với các phương tiện khả nghi ở biên giới với Ba Lan, bởi đây là phương cách mà người di cư đang sử dụng để tới Đức.
Latvia cũng đã phải gia cố khu vực biên giới với Belarus bằng hàng rào thép gai để ngăn chặn dòng người di cư. Bộ Nội vụ nước này cũng cho biết, khoảng 10.000 người di cư vẫn ở Belarus với hy vọng sẽ sang châu Âu. Trong ngày 1/12, lực lượng cảnh sát Đức đã ghi nhận sự giảm thiểu những người nhập cảnh bất hợp pháp vào Đức từ Belarus qua đường Ba Lan.
Trong khi đó tại Brussels, Ủy ban châu Âu đang xem xét việc nới lỏng các quy tắc xin tị nạn để tăng tốc quá trình xử lý các yêu cầu xin tị nạn và trục xuất, đồng thời, cũng nới lỏng các quy định về giam giữ. Tổng thống Lukashenko trong tuyên bố mới đây tiếp tục phủ nhận những cáo buộc về việc dùng người di cư để gây sức ép tới Liên minh châu Âu sau khi nước này bị áp đặt các biện pháp trừng phạt. Ông cũng yêu cầu Liên minh châu Âu phải có trách nhiệm với người di cư và kêu gọi mở hành lang nhân đạo cho các đối tượng này./.