Cuộc nội chiến tại Syria đang đẩy hơn 2 triệu người dân nước này chạy sang các nước láng giềng tỵ nạn. Một trong những nước tiếp nhận đông người tỵ nạn Syria nhất là Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng chính tại nơi “đất khách quê người”, nhiều “ngôi trường hòa bình” với sự tài trợ của cộng đồng quốc tế đã ra đời, mang lại nhiều hy vọng cho trẻ em tỵ nạn Syria.
Trẻ em Syria tại trường Al Salam, Thổ Nhĩ Kỳ |
Trong một lớp học ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, những đứa trẻ 8 tuổi tự hào trưng bày những bức tranh vẽ bằng bút chì màu, bao gồm hình ảnh về những điều khiến chúng hạnh phúc. Những trái tim, những ngôi nhà và những món đồ chơi. Không gian bình yên như vậy là điểm tựa để trẻ em tị nạn Syria tiếp tục được học hành sau khi cùng gia đình trốn chạy khỏi cuộc chiến khốc liệt ở quê nhà.
Tại Reyhani - một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh cực Nam Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, trẻ em tị nạn người Syria được học tại trường Al Salam, nơi các giáo viên tị nạn giảng dạy các em bằng tiếng Arab.
Cô Shiri - giáo viên tình nguyện tại trường Al Salam - cho biết: “Các em được học vẽ tranh tường, ban đầu nhiều em đã vẽ xe tăng, máy bay chiến đấu, hay nhà cửa bị phá hủy. Chúng tôi đang cố gắng hướng các em vẽ những bức tranh thể hiện ước mơ của mình”.
Khi hiệu trưởng Hazar Al Mahayni mở trường Al Salam hay còn gọi là trường học hòa bình tháng 10/2012, bà mong thu hút khoảng 300 học sinh, nhưng sau tuần đầu tiên, có tới 900 học sinh đăng ký nhập học và sau một năm hoạt động, trường đã tiếp nhận 1.200 học sinh.
Anh Mustafa Shakir - giáo viên trường Al Salam chia sẻ: “Mặc dù trường chúng tôi gặp nhiều khó khăn và đôi lúc phải đóng cửa vì lý do an ninh, nhưng chúng tôi cố gắng duy trì lớp học. Hiện giờ, số học sinh đã vượt quá khả năng của trường nên chúng tôi đã phải mở 3 ca mỗi ngày, từ thứ năm đến thứ bảy, để đảm bảo học sinh được học 3 tiếng mỗi ngày”.
Theo hãng tin Reuters của Anh, Al Salam là một trong 6 trường giành cho trẻ em Syria đang hoạt động tại Reyhani, Thổ Nhĩ Kỳ.
Thị trấn này nằm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và cách thành phố Aleppo không xa, nên là điểm đến thuận tiện của những người tị nạn. Tại đây, ngoài việc được vẽ tranh tường, chơi bóng đá, trẻ em Syria còn được học viết kịch bản -một chương trình do Zeitouna -một tổ chức tư vấn giáo dục cho trẻ em tài trợ.
Còn tại Gaziantep, thành phố với hơn 1 triệu dân ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tâm Levant đã khai trương một cơ sở mới tháng 10 năm ngoái để dạy gần 500 học sinh Syria từ 2 tuổi cho đến lứa thanh niên.
Các bức vẽ trên tường của học sinh tại trường Al Salam |
Những lãnh đạo trường Al Salam và Trung tâm Levant cho biết, trường của họ hoạt động nhờ các nguồn quỹ tài trợ và các tổ chức khu vực, quốc tế quyên góp từ thiện. Họ dạy bằng tiếng Arab xen lẫn tiếng Anh, song, để giúp trẻ em Syria có thể giao tiếp với cộng đồng người bản xứ và không có cảm giác bị cô lập, học sinh còn được học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ 1 lần mỗi tuần. Ngoài học văn hóa, các em còn được tham gia các chương trình ngoại khóa như: hội họa, chăm sóc sức khỏe răng miệng.
Không chỉ giúp trẻ em tị nạn Syria tiếp tục được học hành, "những ngôi trường hòa bình" còn góp phần nuôi dưỡng ước mơ tái thiết đất nước của những sinh viên dở dang việc học khi chiến sự nổ ra.
Sinh viên 20 tuổi Safi rời khỏi trường Đại học Aleppo sau khi học xong năm 2 ngành kiến trúc. Hiện tại, Safi chuẩn bị thi TOEFL tại Trung tâm Levant với hy vọng được nhận vào học tại trường Đại học Gaziantep danh giá của Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục theo học ngành mà Xaphi cho là quan trọng đối với tương lai của nước nhà.
Nét vui tươi và niềm hy vọng của trẻ em Syria tại trường Al Salam, Thổ Nhĩ Kỳ |
Theo thống kê của Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc, hơn 2,2 triệu người Syria đăng ký xin tị nạn đã vượt qua biên giới Syria đến các nước láng giềng, trong đó có ít nhất 557.000 người đang sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức này dự báo số người tị nạn có thể sẽ tăng gấp đôi trong năm 2014 trong bối cảnh tình hình nội chiến tại Syria vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt./.