Ngày 1/12, Hiệp hội báo chí nước ngoài FPA đã lên tiếng cáo buộc quân đội Israel “cố tình nhắm vào mục tiêu” là các nhà báo sau khi các binh sĩ của nước này bắn đạn cao su và ném lựu đạn gây choáng vào các phóng viên ảnh báo chí.

israel-ngam-ban-nhabao1.jpg
Cảnh sát Israel bị cáo buộc ngắm bắn các nhà báo trong cuộc đụng độ với những người Palestine tại khu trại tị nạn ở Qalandia thuộc khu Bờ Tây, gần Ramallah, ngày 27/9/2013 (Ảnh: AFP)

Một tuyên bố được nhóm nhà báo đại diện cho các phương tiện truyền thông nước ngoài ở Tel Aviv, bao gồm cả AFP đưa ra cho hay, quân đội Israel đã trực tiếp nhắm vào các phóng viên ảnh khi họ tác nghiệp trong một vụ đụng độ giữa người biểu tình Palestine và lực lượng an ninh Israel ở Qalandia, khu vực nằm giữa Jerusalem và Ramallah.

Tuyên bố này nêu rõ: “Vào chiều 29/11, quân đội Israel đã ném lựu đạn gây choáng vào các phóng viên ảnh của FPA tại Qalandia. Các thành viên của FPA đã dùng tay ra dấu với lực lượng an ninh rằng họ đang rút đi nhưng những quả lựu đạn vẫn ‘bay’ về phía họ”.

Cũng trong tuyên bố này, FPA khẳng định, một nhiếp ảnh gia tự do người Italy cũng gặp phải sự cố tương tự khi bị đạn cao su của cảnh sát bắn thẳng vào mặt.

FPA cho hay: “May mắn thay, nhiếp ảnh gia này đang giơ máy lên để chụp và viên đạn cao su đã làm vỡ máy ảnh thay vì làm vỡ đầu của anh ta. Câu hỏi đặt ra ở đây là tất cả các phóng viên ảnh đều mặc áo và mũ đồng phục dành cho phóng viên khi tác nghiệp. Phải chăng lực lượng an ninh đã trực tiếp ngắm bắn các nhà báo?”.

Trong một văn bản trả lời hãng tin AFP, Quân đội Israel cho biết, các binh sĩ đã có phản ứng phù hợp sau khi người biểu tình ném bom cháy và gạch đá về phía họ.

Văn bản này nói: “Trong khi hỗn loạn, các phóng viên ảnh đã ở rất gần những người nổi loạn và họ tự đặt mình vào nguy cơ bị trúng đạn”.

Mặc dù vậy, trưởng nhóm phóng viên ảnh của AFP Marco Longari cho biết, các phóng viên đã ở khoảng cách an toàn, cách 20m so với những người biểu tình Palestine. Binh sĩ Israel đột nhiên bắn đạn cao su mà không sử dụng hơi cay hoặc đưa ra bất kỳ cảnh báo nào khác.

Ông Longari nói: “Thông thường, lực lượng an ninh sẽ bắn vào chân, nhưng trong trường hợp này họ đã nhắm vào mặt. Viên đạn trúng vào phần trên của chiếc máy ảnh. Nếu khi đó anh ta không giơ máy lên để chụp thì anh ấy đã bị giết chết”.

FPA cũng cho biết, họ đã từng có ý kiến phàn nàn về khoảng 10 sự cố tương tự trong 2 năm qua nhưng không một trường hợp nào được nhà chức trách Israel nghiêm túc điều tra.

Theo tuyên bố của FPA, “chỉ có 2 cuộc điều tra được tiến hành nhưng không có cuộc điều tra nào đi đến kết luận cuối cùng, trong khi các trường hợp khác đã bị bỏ qua”./.