Hội đồng Nhân quyền của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 26/11 bỏ phiếu để lấy "ngày quốc tế về bảo vệ các nhà báo" trong bối cảnh các nhà hoạt động xã hội đang lên án tình trạng các nhà báo bị sát hại trên thế giới ngày một tăng.

nha-bao1.jpg
Hai nhà báo Pháp bị sát hại tại Mali ngày 2/11/2013 (Ảnh: AP)

Theo Nghị quyết mới, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhất trí lấy ngày 2/11 hàng năm là ngày quốc tế chống tình trạng miễn trừ các tội ác nhằm vào các nhà báo. Ngày 2/11 là ngày hai nhà báo Pháp Ghislaine Dupont và Claude Verlon bị các phiến quân tại Mali sát hại (2/11/2013).

Hơn 70 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết này, trong đó kêu gọi các quốc gia Liên Hợp Quốc làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn bạo lực nhằm vào các nhà báo cũng như thực thi các hoạt động điều tra công bằng, nhanh chóng và hiệu quả đối với các vụ tấn công nhằm vào các nhân viên của các công ty truyền thông.

Tổ chức Phóng viên không biên giới ngay lập tức hoan nghênh Nghị quyết này. Nêu bật số nhà báo bị thiệt mạng trong năm 2013 là 52 người, Tổng thư ký Tổ chức Phóng viên không biên giới, Christophe Deloire cho biết, đây là những thiệt hại quá lớn đối với ngành truyền thông thế giới.

Ông cũng nhấn mạnh, sự an toàn của nhà báo là tiền đề quan trọng giúp  xây dựng quyền tự do ngôn luận, dân chủ, phát triển xã hội và hòa bình trên thế giới./.