Ngày 18/7, Trung tâm Thông tin của Liên Hợp Quốc cho biết, có hơn 90% các vụ giết hại nhà báo trên toàn thế giới đã không bị trừng phạt.

Trong cuộc họp đặc biệt bàn thảo về việc bảo vệ các nhà báo tham gia tác nghiệp tại các khu vực xảy ra xung đột vũ trang, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Jan Eliasson mô tả xu hướng này là "gây sốc và không thể chấp nhận được".

Ông Jan Eliasson nói: “Chí ít là chúng ta phải đảm bảo được rằng cái chết của các nhà báo sẽ được điều tra nhanh chóng và công lý được thực thi”.

Ông Eliasson cũng cho biết có khoảng 600 nhà báo trên toàn thế giới thiệt mạng trong 10 năm qua. Chỉ riêng trong cuộc nội chiến ở Syria năm 2012, đã có 41 nhà báo bị giết hại, phần lớn trong số họ thiệt mang khi đưa tin về tham nhũng và các hoạt động bất hợp pháp khác.

Ông Eliasson cho rằng, mỗi nhà báo ngã xuống là báo chí đã mất đi một tiếng nói đại diện cho các nạn nhân bị áp bức, bóc lột, mất đi một nỗ lực bảo vệ quyền lợi và phẩm giá con người.

Bà Kathleen Carroll, Tổng Biên tập AP kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) cho biết, theo số liệu của CPJ, cứ 6 nhà báo bị sát hại thì có 5 người bị giết khi đưa tin liên quan đến các hoạt động tội phạm và tham nhũng ở địa phương họ sinh sống./.