Bế tắc chính trị của Iraq chưa có cơ hội được giải quyết khi Thủ tướng Nuri Nuri al-Maliki ngày 4/7 tuyên bố không từ bỏ ý định ứng cử nhiệm kỳ thứ ba bất chấp sự phản đối của các đảng phái người Sunni và người Kurds.

Quyết định này có thể trở thành một “con dao” chính trị xẻ “chiếc bánh” Iraq thành nhiều mảnh và những miếng béo bở nhất, giàu tài nguyên dầu lửa và có tính chiến lược nhất, rất có thể sẽ rơi vào tay nhóm phiến quân cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) đang có tham vọng làm bá chủ khu vực.

isil_jcbu.jpgMột chiến binh của nhóm phiến quân cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) (Ảnh Reuters)

Trong một tuyên bố trên truyền hình ngày 4/7, Thủ tướng Maliki thề sẽ là một “người lính” bảo vệ lợi ích của đất nước và của người dân Iraq trước sự tấn công của nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông cũng như các tổ chức khủng bố có liên quan.

Ông Maliki cũng tái khẳng định quyết tâm theo đuổi nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba bất chấp những chỉ trích của các đảng đối lập trong nước cũng như một số chính trị gia quốc tế rằng, chính sách điều hành của ông đã và đang đào sâu những ngăn cách giữa 3 cộng đồng chính ở Iraq là Shiite, Sunni và Kurrd.

Phát thanh viên kênh truyền hình nhà nước đọc tuyên bố của ông Maliki cho biết: “Tôi tuyên bố điều này với sự quyết tâm và kiên định rằng tôi sẽ trung thành với người dân Iraq và không bao giờ từ bỏ tư cách ứng cử của mình vào vị trí Thủ tướng. Liên minh Nhà nước Pháp quyền là khối lớn nhất và có quyền chọn Thủ tướng, không một nhóm nào có quyền áp đặt điều kiện cho việc này”.

Những chia rẽ sắc tộc và giáo phái đã khiến Quốc hội mới của Iraq không thể chọn được Chủ tịch Quốc hội, Tổng thống và Thủ tướng trong phiên họp đầu tiên ngày 1/7.

Chủ tịch Quốc hội sắp mãn nhiệm Osama al-Nujaifi ngày 4/7 đã phải tuyên bố sẽ không ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo sau khi Thủ tướng Maliki ngày 27/6 vừa qua đặt điều kiện cả 2 ông cùng phải từ bỏ việc theo đuổi thêm 1 nhiệm kỳ nắm quyền nữa.

Chủ tịch Quốc hội al-Nujaifi cho rằng, điều kiện mà Thủ tướng Maliki đặt ra là hết sức “kỳ quái và phi lý”. Ông al-Nujaifi nêu rõ, thực tế kế hoạch tìm kiếm nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba của ông Maliki đã bị các đảng người Kurd, người Sunni và đa số trong chính Liên minh dân tộc người Shiite phản đối.

Ông al-Nujaifi cho rằng, việc lựa chọn một nhân vật mới làm Thủ tướng là điều “không thể tránh khỏi”.

Lãnh tụ tinh thần của người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq, Đại Giáo chủ Ali al-Sistani ngày 4/7 cũng “lấy làm tiếc” vì Quốc hội đã không thể thành lập chính phủ mới trong phiên họp đầu tiên vừa qua.

Hồi tháng trước, ông al-Sistani đã yêu cầu Thủ tướng Maliki phải thành lập một Chính phủ hiệu quả hoặc từ chức, điều được cho là chưa từng có đối với cộng đồng người Shiite ở Iraq trong hơn 90 năm qua.

Lần này, Đại giáo chủ al-Sistani một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi thành lập một chính phủ được sự chấp nhận rộng rãi của cả dân tộc.

Người phát ngôn của Đại Giáo chủ al-Sistani ở Iraq cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng các nhóm chính trị sẽ tăng cường nỗ lực và đối thoại để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay càng sớm càng tốt. Tất cả đều phải gánh lấy trách nhiệm to lớn đang đè nặng lên vai họ trong bối cảnh cực kỳ bất ổn hiện nay. Nhanh chóng thành lập Chính phủ mới theo đúng quy định của Hiến pháp và tính đến sự ủng hộ rộng rãi của toàn dân là điều hết sức quan trọng”.

Đây là những phản ứng có thể coi là rõ rệt nhất của giới chức sắc tôn giáo ở Iraq vốn luôn giữ khoảng cách với chính trị trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiện nay đang có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Việc Thủ tướng Maliki tiếp tục tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba sẽ khiến công cuộc thành lập Chính phủ đoàn kết mới cho Iraq gian nan và phức tạp hơn, tạo khoảng trống quyền lực nhất định để nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông lợi dụng đẩy mạnh tiến công đe dọa đến sự toàn vẹn của quốc gia vùng Vịnh giàu dầu lửa này./.