Ngày 2/7, quân đội Iraq đã triển khai hơn 120 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông ở một số khu vực của nước này.

Trong khi đó, các chiến binh người Kurd đã tiến vào Kirkuk và một số khu vực khác ở Iraq khi lực lượng liên quân rút khỏi đây sau chiến dịch tấn công do các phần tử thuộc nhóm “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông” (ISIL) tiến hành hồi tháng trước. 

iraq_nahd_hkhi.jpg 

Binh sỹ quân đội Iraq nã pháo vào phiến quân Hồi giáo Sunni (Ảnh Reuters)

Ngày 2/7, quân đội Iraq không kích vào một số khu vực của Nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông. Từ hôm 29/6, quân đội Iraq cũng đã triển khai xe tăng và xe quân sự đến phía Bắc Tikrit nhằm nỗ lực giành lại quyền kiểm soát thành phố trọng điểm này.

Nếu kiểm soát được tuyến đường gần 60km từ Tikrit đến thành phố Samarra, quân đội Chính phủ Iraq sẽ tạo một hành lang chặn đường các tay súng Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông đang đe dọa tiến quân về Thủ đô Baghdad. Theo một số báo cáo, chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua đã có hơn 2.000 dân thường đã bị giết hại trong các cuộc xung đột do những nhóm cực đoan ở Iraq gây ra.

Trong khi đó, cách Mosul, thành phố miền Bắc lớn thứ hai của Iraq khoảng 30km về phía Đông Nam, cộng đồng Công giáo chiếm đa số ở thị trấn Qaraqosh vẫn sống trong sợ hãi dù tình hình ở đây đã lắng dịu sau những vụ giao tranh ác liệt giữa các tay súng cực đoan dòng Sunni của nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông (ISIL) với lực lượng người Kurd ở đây hồi tuần trước.

Một người dân cho biết: “Xung đột nổ ra vài ngày trước. Tình hình giờ đây đã khá hơn những vẫn chưa ổn định. Mọi người vẫn lo ngại nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông sẽ trở lại. Có đến 90% người dân ở đây lo sợ như vậy”.

Với việc tuyên bố “nâng cấp” lên thành “Nhà nước Hồi giáo” hôm 29/6 vừa qua, nhánh li khai khỏi mạng lưới khủng bố al-Qaeda này có tham vọng xóa sổ đường biên giới các quốc gia từ Địa Trung Hải đến vùng Vịnh để thành lập một đế chế Hồi giáo kiểu Trung cổ với luật lệ hà khắc.

Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông cũng đã tự phong lãnh đạo của nhóm này, Abdullah Ibrahim Bin Awad, tức Abu Bakr al-Baghdadi lên làm thủ lĩnh của tất cả người Hồi giáo trên toàn thế giới. Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki hôm qua cảnh báo, mô hình “Nhà nước Hồi giáo” này đang đe dọa đến toàn bộ khu vực.

Ông al-Maliki nói: “Nhà nước Hồi giáo là một thông điệp cho tất cả các nước trong khu vực rằng họ không nằm ngoài vòng tròn đỏ này. Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông không chỉ giới hạn ở đây mà đang nhăm nhe đến cả khu vực. Không ai nên nghĩ rằng một phần của Iraq và các nước láng giềng có thể thoát khỏi kế hoạch này. Tuy nhiên, nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông sẽ thất bại trước sự dũng cảm của quân đội, cảnh sát và người dân Iraq”.

Thủ tướng Maliki đang nỗ lực tập hợp sự đồng thuận của quốc tế cũng như ủng hộ của lực lượng người Kurd ở trong nước để chĩa mũi giáo về phía nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông. Tuy nhiên, cộng đồng người Kurd vốn duy trì tính tự trị cao đang lợi dụng tình hình hiện nay để giành quyền kiểm soát thành phố miền Bắc giàu tài nguyên dầu lửa Kirkuk nằm ở rìa khu tự trị của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với kênh truyền hình CNN của Mỹ, lãnh đạo người Kurd ở Iraq Masoud Barzani cũng đã đe dọa sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập của khu tự trị này. Một số quan chức cấp cao người Kurd cũng có những tuyên bố không chính thức rằng họ không còn gắn kết với chính quyền ở Baghdad nữa mà đang tìm kiếm độc lập cho riêng mình.

Thủ tướng Maliki cảnh báo, chính quyền tự trị người Kurd không nên lợi dụng tình hình hiện nay để đòi độc lập bởi “sự lựa chọn này sẽ tổn hại đến chính họ và sẽ đưa cả khu vực này vào một mê cung không lối thoát”./.