Chi nhánh al-Qaeda giành quyền kiểm soát lãnh thổ ở Iraq và Syria vừa tuyên bố mình là một nhà nước Caliphate Hồi giáo và kêu gọi các phái trên thế giới cam kết trung thành với tổ chức này.
Một phiến quân ISIL vẫy cờ của tổ chức này trên phố Iraq vào ngày 29/6 (ảnh: Reuters)
Động thái mới đặt ra một thách thức trực tiếp với ban lãnh đạo trung ương của al-Qaeda vốn đã từ bỏ chi nhánh của mình ở Iraq và với các quốc gia vùng Vịnh vốn coi nhóm này là một đe dọa an ninh.
Nhóm phiến loạn ở Iraq, vốn được biết đến với cái tên Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant (ISIL), đã tự đặt lại tên mình thành một cái tên ngắn gọn hơn là “Nhà nước Hồi giáo” và tuyên bố thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của mình là Caliph – nguyên thủ của nhà nước này.
“Ông ấy là Caliph đối với người Hồi giáo khắp nơi trên thế giới”, phát ngôn viên Abu Muhammad al-Adnani của nhóm phiến loạn này nói trong bản thông cáo – tuyên bố được dịch sang vài thứ tiếng và được đọc to trong một đoạn audio tiếng Arab.
Phát ngôn viên al-Adnani nói: “Theo đó, vùng Iraq và Sham (Levant) là tên của Nhà nước Hồi giáo được loại bỏ khỏi tất thảy các thảo luận và liên lạc, và tên chính thức là Nhà nước Hồi giáo kể từ ngày có tuyên bố này”.
Nhóm chiến binh Hồi giáo Sunni này theo đường lối cứng rắn của al-Qaeda nhưng có sức mạnh nhờ vào các chiến binh ngoại.
>> Xem thêm: Các phiến quân ISIL vừa khủng bố vừa muốn cưới vợ
Tổ chức này tìm kiếm tái tạo một nhà nước caliphate thời trung cổ, tẩy sạch các đường biên giới khỏi vùng đất từ Địa Trung Hải tới vùng Vịnh. Nó coi những người Hồi giáo dòng Shiite là đáng phải chết.
Tuyên bố của tổ chức này có đoạn: “Tính pháp lý của tất cả các tiểu Vương quốc, các nhóm, các nhà nước và các tổ chức trở nên vô giá trị bởi sự mở rộng của thẩm quyền khalifah và sự xuất hiện của quân khalifah tại các khu vực của họ”.
Các chiến binh của nhóm này đã chiếm gọn thành phố Mosul của Iraq vào tháng 5/2014 trong một cuộc tấn công chớp nhoáng và đã tiến về phía Baghdad. Ở Syria họ đã chiếm được lãnh thổ ở phía bắc và đông, dọc theo biên giới với Iraq.
Tại Syria, nhóm này đã làm cho nhiều dân chúng và các nhà hoạt động đối lập xa lánh bằng việc áp đặt các quy định hà khắc đối với người bất đồng chính kiến, thậm chí chặt đầu hoặc đóng lên thánh giá những người chống đối trong các vùng do họ kiểm soát. Ở Iraq, tổ chức này đã bị các nhóm nhân quyền tố thực hiện các vụ hành quyết tập thể ở thành phố Tikrit phía bắc nước này. Còn ở Lebanon, nhóm này đã nhận trách nhiệm đánh bom tự sát tại một khách sạn.
Một tổ chức theo dõi tuyên bố vào hôm 29/6 rằng mhóm Nhà nước Hồi giáo đã đóng đinh lên thánh giá 8 phiến quân Syria và thường xuyên tấn công chi nhánh Syria của al-Qaeda cũng như các nhóm Hồi giáo vũ trang khác.
Charles Lister, một chuyên gia đang nghiên cứu tại Trung tâm Doha Brookings nhận xét: “Tuyên bố trên về việc khôi phục lại chế độ Caliphate có lẽ là bước phát triển đáng kể nhất trong chủ nghĩa jihad quốc tế kể từ sự kiện 11/9.”
Ông này nói tiếp: “Tác động của tuyên bố này mang tính toàn cầu khi mà các chi nhánh al-Qaeda và các nhóm jihad độc lập phải lựa chọn rõ ràng hoặc là ủng hộ và gia nhập hoặc là chống lại nó”.
Phản ứng của các nước láng giềng
Các quốc gia vùng vịnh như là Saudi Arabia nhiều khả năng cảm thấy bị báo động trước tuyên bố công khai về một Caliphate – điều này thách thức quyền lực của họ và hệ thống quân chủ của nước này. Saudi Arabia đã chiến đấu với các chiến binh al-Qaeda trong vài năm, và cuối cùng đè bẹp được chiến dịch của al-Qaeda vào năm 2006.
“Nhà cầm quyền Saudi Arabia sẽ xem tuyên bố trên là bằng chứng khẳng định tổ chức Nhà nước Hồi giáo đặt ra một đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của họ”, Kristian Ulrichsen, chuyên gia về vùng Vịnh tại Viện Baker có trụ sở ở Mỹ.
Ông này phân tích thêm, họ cũng có thể sẽ dùng điều này để bảo vệ mình trước các các buộc của phương Tây cho rằng họ đang cung cấp các trợ giúp vật chất và hậu cần cho nhóm phiến quân. Cụ thể họ sẽ lập luận mình đứng ở tuyến đầu chống lại phiến loạn./.