Ngày 21/8, Iran trình làng mẫu máy bay chiến đấu mới dự kiến trang bị cho Không quân nước này. Đây được xem là câu trả lời rõ ràng của nước Cộng hòa Hồi giáo trước những sức ép ngày một tăng từ phía chính quyền của Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, cũng như cho những căng thẳng đang ngày một leo thang với các nước đối thủ tại khu vực, trong đó có Saudi Arabia.

qaher_313_ibhw.jpg
Chiến cơ Qaher 313 của Iran được thử nghiệm từ lâu. (Ảnh: Defence Blog)

Theo Hãng thông tấn Tasnim, mẫu chiến cơ này là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, được trang bị các thiết bị “khoa học điện tử hàng không tiên tiến” và radar đa năng, hoàn toàn do các kỹ sư và chuyên gia trong nước sản xuất.

Máy bay chiến đấu này được thiết kế có khả năng mang theo các loại vũ khí và sẽ được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ trên không trong thời gian ngắn. Trong khi đó, Kênh truyền hình nhà nước Iran phát trực tiếp buổi lễ ra mắt mẫu máy bay mới, với sự tham dự của Tổng thống Hassan Rouhani, một ngày trước lễ kỷ niệm Ngày Công nghiệp quốc phòng Iran.

Theo các nhà phân tích, việc trình làng mẫu máy bay chiến đấu mới trong thời điểm hiện nay là câu trả lời rõ ràng của Iran cho những sức ép ngày một tăng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Năm 2013, Iran từng cho ra mắt máy bay chiến đấu Qaher-313, mà nước này khẳng định 100% sản xuất trong nước. Tuy nhiên, Mỹ và các nước phương Tây vẫn luôn hoài nghi và có phần xem nhẹ khả năng chế tạo máy bay của Iran tại thời điểm đó. Nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt quốc tế cấm nước này nhập khẩu nhiều loại vũ khí, Iran đã đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp vũ khí - quốc phòng trong nước.

Vì thế cũng có thể nói, việc ra mắt mẫu máy bay tiêm kích mới vào thời điểm hiện nay cũng là thông điệp mà Iran muốn gửi tới các nước châu Âu, trong bối cảnh châu lục này vẫn chưa hết bối rối trước quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự bối rối này của châu Âu là việc Tập đoàn Total của Pháp ngày 20/8 đã chính thức rút khỏi Iran do không nhận được những đảm bảo cần thiết của châu Âu và đây được xem  như một đòn giáng mạnh vào chính phủ Iran, vốn đang rất kỳ vọng vào sự trở lại của các doanh nghiệp nước ngoài sau thỏa thuận năm 2015 để hồi sinh nền kinh tế đất nước.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5 vừa qua và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của phương Tây đã lần lượt rút khỏi nước này. Trên thực tế, những tháng vừa qua Total từng nhiều lần nhấn mạnh, tập đoàn này không thể ở lại Iran do áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

“Tôi nghĩ rằng, đây là sự tiếp nối của một xu hướng mà chúng ta đã thấy trong vài năm qua” - chuyên gia phân tích Mỹ Neil Bhatiyanhận định. “Đó là các chính quyền Mỹ, dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ đều xem các lệnh trừng phạt như một công cụ hiệu quả để đạt được các mục tiêu trong chính sách ngoại giao. Biện pháp này ít tốn kém hơn so với can thiệp quân sự. Tuy nhiên, những gì chúng ta thấy hiện nay là người Mỹ đang sử dụng biện pháp này thường xuyên hơn và mang tính hiếu chiến nhiều hơn, không chỉ đối với các đối thủ, mà còn cả với các đồng minh.”

Dù đang trong các cuộc đàm phán tích cực với các nước châu Âu nhằm chống lại sức ép của Mỹ, song chính quyền Iran cũng không thể  giấu được sự thất vọng.

Cách đây vài ngày, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã chỉ trích các quan chức châu Âu, khẳng định, chỉ những tuyên bố thôi là không đủ và rằng cần phải có những biện pháp cụ thể chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo chuyên gia phân tích Pháp Alexandre Kateb, việc Total rút khỏi Iran là hậu quả trực tiếp từ quyết định của Mỹ tái áp dặt các lệnh trừng phạt. Bởi trước sức ép của Mỹ, các tập đoàn lớn của châu Âu không còn lựa chọn nào khác. Phương tiện hiện nằm trong tay Mỹ, bởi họ kiểm soát hệ thống tài chính quốc tế và đồng đôla vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Trước thực tế này, Liên minh châu Âu vẫn có những quân bài chủ chốt trong tay, cũng như tài trợ cho một số công ty châu Âu vừa và nhỏ, ít có khả năng bị Mỹ trừng phạt bởi không có mặt tại thị trường này, thúc đẩy việc sử dụng đồng euro trong các giao dịch thương mại với Iran, cũng có thể phối hợp với các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga, song vấn đề là liệu họ có sẵn sàng thực hiện nay không.

Và theo các nhà phân tích, những bước đi mạnh mẽ của Iran như một thông điệp gửi tới châu Âu buộc những nước này phải có các bước đi dứt khoát hơn./.