Ngày 17/8, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố thành lập một nhóm cấp cao mới mang tên "Nhóm hành động Iran". Theo đó, "Nhóm hành động Iran" sẽ thúc đẩy chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ với Iran, trong đó có việc xử phạt các quốc gia khác có giao dịch với Iran. Đây là một bước đi tiếp theo của Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump ngày 7/8 ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, "Nhóm hành động về Iran" sẽ thúc đẩy chiến lược của Mỹ "gây sức ép tối đa" để Iran thay đổi cách hành xử. Nhiệm vụ của nhóm là chỉ đạo, rà soát và điều phối "tất cả các khía cạnh trong hoạt động của Bộ Ngoại giao (Mỹ) liên quan vấn đề Iran" và sẽ báo cáo định kỳ trực tiếp với Ngoại trưởng.
Ngoại trưởng Pompeo đã chỉ định ông Brian Hook, hiện là giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, đứng đầu nhóm này với chức danh "Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao về Iran". Ông Brian Hook từng là trưởng phái đoàn Mỹ đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) nhằm điều chỉnh thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng 5 vừa qua.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết: "Kể từ khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào hồi tháng Năm, ông Brai-ân Húc đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chiến lược áp lực ngoại giao và kinh tế tối đa của chúng tôi đối với Iran. Chúng tôi sẽ tiếp tục dựa vào Brian Hook để dẫn dắt những nỗ lực chống lại hoạt động thù địch của Iran và thúc đẩy sự hỗ trợ quốc tế".
Tại họp báo, ông Brian Hook cho biết, Mỹ muốn thúc đẩy một tương lai tươi sáng hơn cho người Iran và cáo buộc rằng, “chính quyền Iran hiện tại gây ra sự bất ổn và bạo lực”. Ông Brian Hook tiếp tục nói về 12 yêu cầu mà chính phủ Mỹ đưa ra trước đó đối với Iran, bao gồm việc Iran rút khỏi Syria. Ông Brian Hook nói rằng, nếu Iran “thay đổi hành vi” trong 12 yêu cầu đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “sẵn sàng nói chuyện với chính quyền Iran”.
"Nếu chính quyền Iran thể hiện cam kết thực hiện những thay đổi cơ bản trong hành vi của mình thì Tổng thống sẵn sàng tham gia vào cuộc đối thoại để tìm ra giải pháp. Nhưng biện pháp dỡ bỏ trừng phạt, tái thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại và hợp tác kinh tế với Iran chỉ có thể bắt đầu sau khi chúng tôi nhận thấy rằng, chính quyền Iran nghiêm túc trong việc thay đổi hành vi của họ".
Bất ngờ “ai thắng – ai thua” từ việc Mỹ trừng phạt Iran
Khi đề cập tới các quốc gia khác tiếp tục hợp tác với Iran, ông Brian Hook nói rằng, Mỹ “chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các chính phủ đó”. Quan chức Mỹ cũng lưu ý mục tiêu của Mỹ là “giảm nhập khẩu dầu của Iran của mọi quốc gia xuống 0 trước ngày 4/11”.
Trước đó, sau khi quyết định rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/8 đã ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời khẳng định chính sách của Mỹ là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Ông Donald Trump cũng tuyên bố các công ty giao thương với Iran sẽ bị cấm giao dịch với Mỹ khi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran có hiệu lực. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu và Nga đã lên tiếng chống lại yêu cầu ngừng kinh doanh với Iran của Mỹ. Các bộ trưởng từ Anh, Pháp, Đức và EU đã viết thư cho các quan chức Nhà Trắng hàng đầu, trong đó yêu cầu Mỹ không trừng phạt các ngành công nghiệp châu Âu trong các giao dịch với Iran.
Một số nhà phân tích nhận định, việc Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran có lẽ sẽ không làm Iran bị ảnh hưởng quá nặng. Bởi không giống với trước đây, Iran bị cô lập dưới các lệnh trừng phạt thì nay nước này nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước phương Tây. Các nước này vẫn muốn quan hệ thương mại với Iran, đảm bảo duy trì Thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Thậm chí châu Âu còn cho biết sẽ thực hiện quy chế phong tỏa để bảo vệ doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn với Iran trước ảnh hưởng của lệnh cấm vận. Quy chế này sẽ giúp ngăn các công ty châu Âu tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trừ khi được sự cho phép của Ủy ban châu Âu./.
Châu Âu tiến thoái lưỡng nan khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran