Ngày 21/10, cuộc đàm phán khí đốt Nga-Ukraine-Liên minh châu Âu kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào, đã làm nguội đi phần nào hy vọng giúp giải quyết khủng hoảng Ukraine. Trong khi, Tổng thống Nga và Ukraine cùng ngày đã khẳng định sự cần thiết của thỏa thuận ngừng bắn toàn diện khi mà đến nay miền Đông Ukraine vẫn chưa im tiếng đạn pháo.  

thoa_thuan_idfm_jpg_fstn.jpgTổng thống Nga Putin và lãnh đạo các nước châu Âu họp bàn về vấn đề khí đốt với Ukraine (Ảnh AP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Poroshenko đã có cuộc điện đàm khẳng định tầm quan trọng của thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine. Văn phòng báo chí của phủ Tổng thống Ukraine cho biết, 2 nhà lãnh đạo nhắc lại sự cần thiết của một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và chấm dứt các cuộc nã pháo để hướng tới giải quyết khủng hoảng Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Ukraine cũng nói rằng, thỏa thuận đạt được tuần trước tại Milan, Italia, giữa các nhà lãnh đạo Nga-Ukraine và Liên minh châu Âu cũng là một nền tảng khá lạc quan để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu khả quan đó cũng như lệnh ngừng bắn ký kết hồi đầu tháng 9, miền Đông Ukraine đến nay vẫn không im tiếng pháo. Giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng đối lập đã kéo dài cả ngày 21/10 ở trong và ngoài sân bay Donetsk.

Khu vực này đã trở thành điểm bị pháo kích ác liệt nhất thời gian qua. Chiến sự vẫn đang ở thế giằng co khi cả quân đội Ukraine và lực lượng đối lập đều muốn nắm giữ địa điểm chiến lược này.

Giới chức quân đội Ukraine những ngày qua thông báo thêm nhiều con số thương vong của binh sĩ Chính phủ trong các cuộc giao tranh ở miền Đông. Còn phe đối lập tiếp tục cáo buộc đạn báo của quân đội gây thương vong cho người dân thường.

Trong khi Liên minh châu Âu đang sốt sắng dàn xếp các cuộc gặp với Nga và Ukraine, song tình hình thực địa tại chiến trường miền Đông Ukraine lại đang có tác động ngược lại. Bất cứ động thái nào của Nga hay phương Tây lúc này cũng có liên quan và tác động ít nhiều tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Việc Nga áp đặt lệnh cấm các sản phẩm thịt có nguồn gốc từ châu Âu từ ngày 21/10, là đòn đáp trả mới nhất khi Liên minh châu Âu mở rộng các biện pháp trừng phạt "mạnh tay" hơn đối với Moscow vì khủng hoảng Ukraine. Các biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau chỉ dẫn đến kết cục duy nhất là sự đối đầu Đông-Tây leo thang, kéo theo đó là những bế tắc chồng chéo để có thể giải quyết được vấn đề Ukraine.

Thêm vào đó, cuộc đàm phán ba bên Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ, nhằm giải quyết những bất đồng về khí đốt đã kết thúc vào ngày 21/10 mà không đạt được thỏa thuận chính thức nào. Các bên sẽ tiếp tục gặp lại nhau trong cuộc đàm phán diễn ra vào ngày 29/10 tới, cũng tại Brussels.

Ủy viên Năng lượng Liên minh châu Âu Guenther Oettinger thông báo một số tiến triển đạt được: “Đầu tiên chúng tôi lo ngại về mức giá tại thời điểm này với mức gia sau tháng 3 tới. Các bên tham gia đàm phán đã nhất trí mức giá khí đốt Ukraine sẽ phải trả cho tập đoàn Gazprom của Nga là 385 USD/1000 m3 với điều kiện phải thanh toán trước. Phía Nga đã đảm bảo mức giá này và nó sẽ không bị đơn phương phá vỡ”.

Ông Oettinger cho biết thêm, Nga có thể sẽ cung cấp 4 triệu m3 khí đốt cho Ukraine trong năm nay, tùy thuộc vào tình hình tài chính của Kiev. Ông cũng xác nhận việc tập đoàn Naftogaz của Ukraine từ giờ đến cuối năm sẽ thanh toán 3,1 tỉ USD trong khoản nợ mua khí đốt của đối tác Nga và phía Liên minh châu Âu cũng cần có những đóng góp hỗ trợ cho Ukraine.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã khẳng định: “Mức giá này sẽ được duy trì tới tháng 3 sang năm và nó không phải phụ thuộc vào các quyết định khác của chính phủ Nga. Do đó, tôi có thể khẳng định mức giá này sẽ không thay đổi và đây là mức giá độc lập”.

Nga đã khóa van đường ống dẫn khí tới Ukraine từ giữa tháng 6 vừa qua, do Kiev không đáp ứng được thời hạn chót thanh toán khoản nợ 4,5 tỷ USD mua khí đốt của Moscow.

Động thái này làm dấy lên lo ngại rằng mùa Đông năm nay, châu Âu, vốn phụ thuộc 1/3 nhu cầu khí đốt nhập từ Nga, trong đó một nửa trung chuyển qua Ukraine có thể bị thiếu năng lượng./.