Vấn đề khí đốt tại Nga-Ukraine-Liên minh châu Âu (EU) đang nóng lên khi mùa đông đến gần. Ukraine là nước lo lắng nhất khi thỏa thuận lâm thời đạt được giữa nước này với Nga nhằm giải bài toán năng lượng cho Ukraine trong mùa đông sắp tới vẫn chưa được thực hiện.

europe_gets_more_than_30_cimm.jpgĐường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraine (Ảnh AFP)

Mặc dù châu Âu vẫn nhận đủ lượng khí đốt của Nga, nhưng rõ ràng khi cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục lâm vào bế tắc, thì khả năng xảy ra một “ mùa đông băng giá” tại châu Âu là điều có thể xảy ra.

Các quan chức Nga nhận định, Ukraine sẽ không kịp nạp đủ lượng khí đốt cần thiết để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm trong mùa Đông, cũng như đảm bảo cho hoạt động chuyển tải khí đốt.

Phát biểu trong một cuộc họp chính phủ ngày 8/10, Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk cũng thừa nhận, Ukraine vẫn còn thiếu 5 tỷ m3 khí đốt so với nhu cầu để nước này có thể vượt qua được mùa Đông sắp tới. 

Chính quyền Ukraine đang tính toán mọi kịch bản nhằm chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Trước nguy cơ Ukraine thiếu khí đốt trong mùa đông giá rét sắp tới, Mỹ tuyên bố sẽ giúp tìm kiếm nguồn sưởi ấm mới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz thừa nhận đây là một vấn đề khó khăn, nhưng Mỹ đang xem xét để giúp đỡ Ukraine.

Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giải quyết bài toán năng lượng cho Ukraine trong mùa đông sắp tới, đó là thực hiện hóa thỏa thuận tạm thời đạt được giữa Nga và Ukraine do Liên minh châu Âu làm hòa giải hôm 26/9 vừa qua.

Theo thỏa thuận, Nga sẵn sàng nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu Kiev trả khoản nợ trị giá 3,1 tỷ USD theo thời hạn đến cuối tháng 12 tới. Ngoài ra, Nga sẽ cung cấp cho Ukraine ít nhất 5 tỷ m3 khí đốt trong những tháng tới để đáp ứng nhu cầu trong mùa Đông.

Thỏa thuận này được hi vọng sẽ đưa ra kí kết chính thức một tuần sau đó, nhưng đến thời điểm này các bên vẫn chưa xác định được thời điểm cho cuộc họp tiếp theo.

Một trong những nguyên nhân khiến thỏa thuận này chưa được thực hiện liên quan đến giá khí đốt. Phía Nga yêu cầu Ukraine phải thanh toán trước theo mức giá mới, nhưng Ukraine cho rằng mức giá này vẫn chưa hợp lý.

Trong một động thái gây sức ép với Nga, ngày 8/10, Thủ tướng Ukraine tuyên bố có thể khiếu nại lên Tòa án trọng tài Stockholm nhằm ấn định giá bán tạm thời khí đốt của Nga và các điều kiện cung cấp khí đốt cho Ukraine, nếu nước này không sớm đạt được một thỏa thuận khí đốt tạm thời.  

Trước đó, Cao ủy liên minh châu Âu về năng lượng Guenther Oettinger cảnh báo những rắc rối khi đưa vấn đề khí đốt lên tòa án.

Ông Oettinger nói: “Lượng khí đốt chuyển giao từ Nga sang Ukraine không có điều gì bất đồng. Tuy nhiên vấn đề hiện nay là giá cả. Vấn đề giá cả được tranh luận tại Tòa án và không có bên nào được lợi trong việc gây thiệt hại đến vị trí pháp lí của mình trước tòa án”.

Với dòng vận chuyển khí đốt vẫn diễn ra đều đặn, các nền kinh tế của Liên minh châu Âu dường như không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng tương tự.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang vẫn tiếp diễn và các nước Liên minh châu Âu liên tiếp đưa ra các cảnh báo trừng phạt Nga, thì khả năng hợp tác năng lượng giữa Nga và châu Âu có thể bị ảnh hưởng.

Một trong những tác động rõ ràng nhất hiện nay đó là Nga bắt đầu cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho những nước châu Âu có hành động cung cấp khí đốt ngược lại cho Ukraine.

Trong những tuần qua, Hungary , Ba Lan , Slovakia , Cộng hòa Séc, Rumania thông báo không nhận đủ lượng khí đốt theo hợp đồng từ phía Nga.

Ủy ban châu Âu cho rằng, các nước thành viên của họ có quyền sử dụng số năng lượng đã mua của Nga.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Helen Kearns nhấn mạnh: “Chúng tôi hi vọng tất cả các nước thành viên tạo điều kiện cho các hoạt động cung cấp khí đốt cho Ukraine đã được Hội đồng châu Âu nhất trí vì lợi ích an ninh năng lượng chung. Không có điều gì có thể ngăn các công ty Liên minh châu Âu sắp xếp một cách tự do khí đốt mà họ đã mua của Gazprom. Điều này bao gồm bán khí đốt cho những khách hàng khác trong khối cũng như nước thứ 3 như Ukraine”.

Tuy nhiên Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho rằng, đây là hành động bất hợp pháp khi các nước này “ tái xuất khẩu” khí đốt tới Ukraine.

Một chuyên gia năng lượng của Viện nghiên cứu kinh tế tại Claudia Kemfert nhận định, nếu cuộc khủng hoảng Ukraine không được giải quyết, tuyến đường vận chuyển qua Ukraine có thể bị ảnh hưởng và châu Âu sẽ nhận được ít khí đốt hơn. Thực tế những điều này đã xảy ra vào năm 2006 và 2009./.