Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng mới của Ba Lan, bà Ewa Kopacz, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: "Tôi không tin rằng có những vấn đề nghiêm trọng giữa Nga và Ukraine. Do đó các vấn đề giữa chúng tôi và Nga tất cả sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, liên quan đến khí đốt, tôi hy vọng rằng ông Oettinger - thành viên Hội đồng năng lượng của Uỷ ban châu Âu sẽ thành công trong việc tìm kiếm một giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng cho chúng ta và Ukraine, đặc biệt là trong những tháng tới. Tôi lạc quan vì điều này”.
Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu khi cung cấp 1/3 lượng khí đốt. Mặc dù nguồn cung khí đốt của Nga cho Ukraine bị gián đoạn do tranh cãi về hóa đơn thanh toán khí đốt từ tháng 6, nhưng nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu thông qua Ukraine vẫn thông suốt.
Nhiều chuyên gia nhận định nếu cuộc khủng hoảng Ukraine không được giải quyết, tuyến đường vận chuyển khí đốt qua Ukraine có thể bị ảnh hưởng và châu Âu sẽ nhận được ít khí đốt hơn. Thực tế những điều này đã xảy ra vào năm 2006 và 2009.
Theo thỏa thuận tạm thời giữa Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đạt được cuối tháng 9 vừa qua ở Berlin (Đức), Nga sẵn sàng nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu Kiev trả khoản nợ trị giá 3,1 tỷ USD cho Tập đoàn Gazprom của Nga theo thời hạn đến cuối tháng 12 tới.
Ngoài ra, theo thỏa thuận trên, Gazprom sẽ cung cấp cho Ukraine ít nhất 5 tỷ m3 khí đốt trong những tháng tới để đáp ứng nhu cầu trong mùa Đông. Ukraine hiện chỉ nhận được khí đốt ngược dòng từ các nước Liên minh châu Âu (EU) do nguồn cung từ Nga bị cắt từ ngày 16/6./.