Hội nghị lần thứ 20 của Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu (COP-20) diễn ra tại Peru đối mặt với sự sụp đổ sau khi Trung Quốc và Mỹ đã không thể thỏa hiệp được với nhau cho một thỏa thuận.
Hội nghị lần này đã phải kéo dài thêm một ngày so với dự kiến do các nhà đàm phán vẫn không thu hẹp được bất đồng xung quanh thỏa thuận cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính giữa các nước giàu và nước nghèo. Theo đó, thư ký hội nghị buộc phải thông báo kéo dài phiên họp sang ngày 13/12 giờ địa phương (tức sáng ngày 14/12 theo giờ Việt Nam) để nhóm làm việc hoàn tất văn bản cuối cùng trước khi đưa ra thông qua tại vòng thảo luận ở Paris (Pháp) năm 2015.
Hiện bất đồng lớn nhất là hạn ngạch giảm khí phát thải. Trong khi các nước đang phát triển cho rằng các nước giàu phải chịu mức cắt giảm lượng khí thải lớn hơn, các nước công nghiệp giữ quan điểm rằng một số nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ đang sử dụng lượng than đá quá lớn trong các ngành kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, do vậy lượng khí thải cần cắt giảm cũng phải nhiều hơn. Trung Quốc cho rằng, dự thảo thỏa thuận biến đổi khí hậu đã đặt quá nhiều gánh nặng đối với người nghèo để hạn chế khí thải nhà kính so với những nước giàu.
Ông Lưu Chấn Dân, đại diện của Trung Quốc nói: "Các văn bản hiện tại không phản ánh các nguyên tắc trách nhiệm chung, không phân biệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển cũng như sự cấp bách phải hành động vào năm 2020. Do đó, quan điểm của chúng tôi là dự thảo hiện nay cần phải được sửa đổi thêm để có thể phản ánh sự khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển. Chúng tôi muốn đạt được sự đồng thuận tại Lima, nhưng hiện tại đang bế tắc”.
Trong khi đó, đại diện của Mỹ, ông Todd Stern kêu gọi tất cả các bên chấp nhận các văn bản thỏa hiệp, nói rằng sự thất bại tại Hội nghị Lima lần này sẽ được xem như là một "sự cố lớn" , đe doạ các hội nghị thượng đỉnh Paris vào năm sau.
Ông Stern nói: "Chúng ta không có thời gian cho các cuộc đàm phán mới kéo dài, và tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều biết điều này. Chúng ta cũng cần chú ý rằng, văn bản này đã thể hiện được sự cân bằng và thời gian cho chúng ta cũng không còn nhiều”.
Trong khi đó, các quốc gia ven biển kêu gọi sự nỗ lực chung cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một trong những nguyên nhân khiến Trái Đất ấm lên khiến nhiều nguy cơ khiến các quốc đảo biến mất.
Ông James Flesher, đại diện của quốc đảo aint Lucia nhấn mạnh: “Đối với chúng tôi để đạt được một thỏa thuận thì phải thực hiện rất nhiều điều. Điều đó rất tốn kém nhưng bạn không thể đặt một cái giá đối với sinh mạng con người, bạn cũng không thể đặt giá đối với việc nhiều quốc gia ven biển đang dần biến mất. Tôi nghĩ rằng, điều mà chúng ta cần phải nhận ra rằng, để đạt được thỏa thuận sẽ rất tốn kém nhưng chúng ta cần thực hiện”.
Trước đó, đại diện nước chủ nhà Peru đã yêu cầu các nhà đàm phán soạn thảo một văn bản trình bày quan điểm về bốn vấn đề "gai góc" gồm phạm vi các cam kết về chống biến đổi khí hậu (hạn chế khí thải C02 hay cam kết về tài chính, chuyển giao công nghệ sạch và hỗ trợ các nước nghèo; sự minh bạch thông tin trong các bản báo cáo về quá trình thực hiện cam kết; công tác giám sát việc thực hiện các cam kết và cách thức duy trì những thành quả đạt được./.