Hội nghị Bộ trưởng của các nước và vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ngày 9/12 đã diễn ra tại thủ đô Lima, Peru, là một trong những hoạt động quan trọng của Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP-20).
Hội nghị Bộ trưởng COP-20 là phiên thảo luận cấp cao quan trọng, diễn ra trong bầu không khí chia rẽ giữa các cường quốc và các nước đang phát triển trong hàng loạt vấn đề cốt lõi.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon kêu gọi tất cả các quốc gia cùng tham gia và đóng góp vai trò trong giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu. Ông Ban Ki Moon thể hiện lo ngại sâu sắc khi các nước đang hành động chậm chạp, đồng thời kêu gọi các nước phát triển huy động nguồn tài chính sẵn sàng để đáp ứng các mục tiêu đối phó với biến đổi khí hậu.
“Tôi kêu gọi các nước chưa đưa ra cam kết với Quỹ Khí hậu xanh cân nhắc một cam kết tài chính tham vọng ngay tại Lima. Chúng ta phải xác định rõ ràng hướng đi để đạt được mục tiêu 100 tỷ đôla mỗi năm từ năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển. Tôi kêu gọi các nước phát triển huy động nguồn hỗ trợ để đáp ứng thậm chí vượt qua mục tiêu tài chính này”, ông Ban nói.
COP-20 làm việc đến ngày 12/12 tới và phải đưa ra mục tiêu cắt giảm khí thải của mình sớm nhất trước cuối tháng 3 năm sau. Đây cũng là hội nghị cuối cùng trước thời hạn chót cho việc đạt được một hiệp định mới về khí hậu tại vòng thảo luận năm sau ở Paris (Pháp).
Ngân quỹ chống biến đổi khí hậu là điểm quan trọng nhất trong đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Các nước đang phát triển nhấn mạnh những nền kinh tế giàu phải thể hiện tôn trọng cam kết đóng góp cho quỹ chống biến đổi khí hậu lên 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020.
Tuy nhiên, đến ngày làm việc hôm qua, Quỹ khí hậu xanh mới đạt được mức đóng góp 10 tỷ USD sau cam kết bất ngờ của Australia. Dù còn xa với mục tiêu 100 tỷ USD, song những cam kết đóng góp cho Quỹ Khí hậu xanh từ Bỉ và Australia đã nhận được hoan nghênh tích cực của đại biểu từ hơn 190 nước tham gia Hội nghị.
Các đại biểu cũng cho rằng, Trung Quốc và các nước giàu khác vẫn chưa hành động “đủ nhanh và mạnh” để đáp ứng nguồn quỹ này. Trước đó, Australia đã hứng chịu những chỉ trích của các nước đang phát triển khi không thực hiện cam kết đưa ra trong tháng 11, với 166 triệu USD.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ngày 9/12 tuyên bố, nước này sẽ thực hiện cam kết này trong 4 năm tới. Số tiền này nhằm giúp huy động đầu tư vào lĩnh vực tư nhân tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Tại COP-20, các nước đang phát triển và rất nhiều quốc đảo nhỏ đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ khỏi bản đồ thế giới” vì mực nước biển dâng tiếp tục đưa ra những đề xuất nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và biện pháp đối phó với những tác động tiêu cực hiện nay từ tình trạng ấm lên toàn cầu.
COP-20 đang cố gắng tìm kiếm một hiệp định tổng quan và mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó, nhiều nước đang phát triển mong muốn mục tiêu đầy tham vọng là cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 0% vào năm 2050.
Hiệp định tương lai sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm 2020, đồng thời ràng buộc Mỹ và các nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc, vào nỗ lực chung cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu./.