Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng một Thỏa thuận quốc tế mới mang tính ràng buộc pháp lý về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu vào năm 2015.
Ngay trong tuần làm việc đầu tiên đã diễn ra một loạt các Hội nghị và khóa họp quan trọng như Hội nghị lần thứ 19 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 19), Hội nghị lần thứ 9 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP 9), Khóa họp lần thứ 39 Ban Bổ trợ về thực hiện (SBI 39) và Khóa họp lần thứ 39 Ban Bổ trợ về tư vấn khoa học và công nghệ (SBSTA 39).
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị |
Phát biểu tại phiên khai mạc, bà Christiana Figueres, Thư ký điều hành Công ước đã lấy phương châm Olympic “nhanh hơn, cao hơn, mạnh mẽ hơn” để thúc giục các nước đẩy nhanh tiến trình đàm phán trên tinh thần tất cả đều có lợi.
Đại diện cho Nhóm G-77 và Trung Quốc đã nhấn mạnh tác động tàn phá của siêu bão Haiyan đối với các nước như Philippines, Việt Nam và cho rằng các nước ít chịu trách nhiệm gây ra biến đổi khí hậu lại là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.
Nhóm G77 và Trung Quốc cũng nhấn mạnh những vấn đề ưu tiên tại Hội nghị như thực hiện kết quả của các Hội nghị trước đây, xây dựng các quy chế, cam kết cụ thể về tài chính, coi đây là cơ sở của bất kỳ chương trình hành động nào để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời bày tỏ mong muốn đạt được một kết quả đàm phán công bằng trên các vấn đề giảm thiểu, thích ứng và phương thức thực hiện.
Nhóm châu Phi đề xuất một mục tiêu toàn cầu trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu. Đại diện Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi đạt được tiến bộ về những nội hàm thực chất của một Thỏa thuận mới và cần có khung thời gian triển khai cụ thể. Các nước cũng dành nhiều thời gian thảo luận về các biện pháp tài chính để hỗ trợ thực hiện các cam kết về giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phát triển sạch, chuyển giao công nghệ.
Đại diện Philippines cảm ơn các đoàn đại biểu đã chia sẻ về những tổn thất to lớn về người và tài sản do cơn siêu bão Haiyan gây ra, kêu gọi cộng đồng thế giới có các biện pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa tổn thất, thiệt hại do bão, lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan có liên quan đến biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng đã dành 03 phút mặc niệm các nạn nhân của cơn bão Haiyan.
Ngay từ ngày đầu tiên của Hội nghị, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động liên quan. Phát biểu tại phiên khai mạc, đại diện Đoàn Việt Nam đã cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế đã chia sẻ và bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân các nước đang chịu hậu quả của cơn bão Haiyan.
Là một thành viên ASEAN, một nước láng giềng cùng chịu hậu quả của cơn bão, Chính phủ và nhân dân Việt Nam hết sức cảm thông, cam kết có những hình thức hỗ trợ thích hợp để giúp Philippines sớm khắc phục và vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Đoàn Việt Nam nhấn mạnh những thảm họa thiên tai đang diễn ra càng cho thấy những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đồng thời thôi thúc các nước sớm thúc đẩy tiến trình đàm phán để đạt những thỏa thuận toàn diện đối phó với thách thức này.
Đoàn Việt Nam cũng đã tham dự và trình bày tham luận tại các hội thảo bên lề Hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với công tác đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang triển khai.
Phối hợp với đoàn Nhật Bản tổ chức “Hội thảo về các hoạt động của Cơ chế tín chỉ chung (JCM) và tăng cường năng lực về JCM”, “Hội thảo về chuẩn bị sẵn sàng cho việc xây dựng và thực hiện NAMAs”, “Hội thảo về tăng cường kiểm kê quốc gia khí nhà kính và sự hỗ trợ của Nhật Bản”.
Đại diện của Đoàn đã tham dự “Cuộc họp lần thứ 15 Diễn đàn Cơ chế phát triển sạch” do Ban Thư ký Công ước tổ chức. Một số đoàn như Phần Lan, Nhật Bản đã tiếp xúc với đoàn ta để trao đổi về các nội dung quan tâm như việc triển khai Cơ chế tín chỉ chung (JCM), việc loại bỏ chất HFC trong sản xuất công nghiệp./.