Chỉ còn hôm nay và ngày mai, Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 19 sẽ khép lại 2 tuần làm việc ở thủ đô Warsaw của Ba Lan. Các nhà đàm phán đang nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận toàn cầu mới mang tính ràng buộc pháp lý vào năm 2015. Tuy nhiên, những bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển về vấn đề viện trợ tài chính giúp các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang là trở ngại trong việc đạt được một thỏa thuận trong hai năm nữa.

Vấn đề hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước nghèo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất trong nhiều hội nghị cũng như các cuộc đàm phán gần đây.

Tại các cuộc đàm phán hôm 20/11 ở Warsaw, nhiều nước đang phát triển cáo buộc các nước giàu không thể hiện thiện chí trong việc thảo luận về hỗ trợ tài chính, hoặc vấn đề bù đắp những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với các nước nghèo. Các nước đang phát triển mong muốn các nước công nghiệp giữ cam kết mà họ đưa ra năm 2009 về việc sẽ tăng tiền tài trợ lên 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 giúp các nước đang phát triển ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. 

Về vấn đề này, ông Todd Stern, đặc phái viên của chính phủ Mỹ phụ trách các cuộc thương lượng về biến đổi khí hậu cho biết, cam kết này vẫn được duy trì, song tất cả các nước cần chia sẻ gánh nặng tài chính này. “Về tài chính, chúng ta có cam kết chung 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 từ các nguồn. Tôi nghĩ rằng, cần có sự rõ ràng từ tất cả các nước, trong đó có các nước đang phát triển. Đó là cam kết của chúng tôi và không có gì thay đổi”, ông Todd Stern nói.

Bộ trưởng Môi trường Đức Peter Altmaier cũng cho biết, Đức vẫn giữ cam kết đã đưa ra: “Tôi không thể đưa ra bất kỳ lời hứa và cam kết về việc sẽ tăng tài trợ như thế nào, nhưng ít nhất chúng tôi vẫn giữ ở mức hiện nay. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để có thể tăng tài trợ”.

Tại các cuộc đàm phán, Nhật Bản cam kết tài trợ 16 tỷ USD trong 3 năm tới, còn Na Uy, Anh và Mỹ cũng cam kết đóng góp 280 triệu USD để duy trì phát triển rừng.

Đối với nhiều nước nghèo hiện nay, sự tàn phá của thiên tai, mà minh chứng rõ nét nhất là siêu bão Haiyan mới đây, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường hỗ trợ tài chính để bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo Ngân hàng Thế giới, thiệt hại đối với kinh tế toàn cầu do thời tiết cực đoan gây ra đã tăng lên gần 200 tỷ USD mỗi năm trong một thập kỷ qua và dự báo sẽ còn tăng hơn nữa khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến xấu.

Trong khi đó, nhiều nước giàu không sẵn sàng cung cấp các khoản viện trợ tài chính, mà thay vào đó họ tập trung đầu tư cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Cao ủy Liên minh châu Âu về chống biến đổi khí hậu Connie Hedegaard khẳng định: “Chúng ta không thể có một hệ thống về đền bù tự động khi thời tiết khắc nghiệt xảy ra ở nơi này hay nơi kia trên khắp hành tinh này”.

Cho đến nay, những cam kết của các nước phát triển mới chỉ dừng lại ở lời nói là chủ yếu và họ chưa đưa ra cách thức viện trợ giúp các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo. Trong buổi họp báo ngày 20/11, Trưởng đoàn đàm phán của Brazil Jose Marcondes de Carvalho đặt câu hỏi "tiền tài trợ lấy từ đâu"?. “Chúng ta đã nghe thấy những cam kết nhanh chóng về hỗ trợ tài chính. Nhưng nó ở đâu? Chúng ta đã nghe thấy cam kết 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020. Những cam kết đó được cụ thể hóa ở đâu và các khoản viện trợ sẽ đến các nước đang phát triển như thế nào”, ông Carvalho nêu rõ.

cop-19.jpg
Đại biểu tham dự Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 19 tại Warsaw, Ba Lan (Ảnh: Reuters)

Phát biểu này nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu đến từ các nước mới nổi và đang phát triển, trong đó có Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Jayanthi Natarajan: “Không có cam kết nào được thực hiện đầy đủ. Do đó, tôi cho rằng, đây là một câu hỏi cần được nêu ra”.

Một nghiên cứu công bố hôm 20/11 cho thấy, thế giới đang chứng kiến sự thụt lùi trong nỗ lực hạn chế sự ấm nóng toàn cầu do sự thay đổi chính sách về cắt giảm khí thải từ một số nước như Nhật Bản hay Australia. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Potsdam về ảnh hưởng của biến đối khí hậu và Hãng Tư vấn Ecofys của Phần Lan cho thấy, quyết định mới đây của Nhật Bản về việc hạ thấp mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 khiến cho thế giới khó đạt mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất ở mức 2 độ C.

Giám đốc về Chính sách năng lượng và khí hậu Niklas Hoehne của Hãng Tư vấn Ecofys cho biết: “Một số nước đã có những bước đi thụt lùi vì chính sách của họ thay đổi theo hướng tiêu cực. Một ví dụ là Australia đã thay đổi quy định pháp lý hoặc có kế hoạch thay đổi quy định pháp lý mà sẽ dẫn đến việc tăng lượng khí thải trong tương lai. Một ví dụ khác là Nhật Bản cũng thay đổi các cam kết đã đưa ra. Nhật Bản đang thảo luận về việc thay thế năng lượng hạt nhân, nhưng điều đó chỉ có thể giải thích cho việc thay đổi mục tiêu của họ”.

Tháng 9 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Ủy ban liên chính phủ của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đưa ra dự báo, nhiệt độ trái đất sẽ vượt mức 2 độ C trong mọi trường hợp. Do đó, để kiềm chế sự ấm dần lên trên toàn cầu, các quốc gia phải thực hiện cắt giảm khí thải “mạnh mẽ và liên tục”./.