Đó là lý do các doanh nghiệp cần phải tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu vào năm 2015. Điều này đã được đại diện các nước và các Tổ chức quốc tế nhất trí tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP 19) đang diễn ra tại Warsaw, Ba Lan.
Bộ trưởng Môi trường Ba Lan, đồng thời là Chủ tịch COP 19 Marcin Korolec cho rằng, việc mời cộng đồng doanh nghiệp tham gia đối thoại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đàm phán chống biến đổi khí hậu đi đến kết quả.
Lễ khai mạc COP 19 (Ảnh UNFCCC) |
Tại 18 lần hội nghị trước, các doanh nghiệp vẫn chưa được tham gia vào tiến trình này, nhưng bây giờ là lúc họ cần phải tham gia để góp phần hiện thực hoá một thoả thuận mới toàn diện và minh bạch về chống biến đổi khí hậu tại Paris vào năm 2015.
Ông Korolec cho biết, trong khuôn khổ COP 19 lần này, sẽ có một diễn đàn doanh nghiệp để các công ty lớn trên thế giới có thể trình bày những đóng góp và cam kết của mình đối với hành động chống biến đổi khí hậu.
“Một trong những thách thức chính của Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu là tạo ra quan điểm mới và niềm tin giữa các bên. Yếu tố quan trọng để tạo ra điều này chính là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong các cuộc đối thoại, để cuộc đối thoại trở nên rộng rãi hơn và đi đến một thoả thuận toàn diện hơn, thực tế hơn”, ông Korolec nhấn mạnh.
Ông Dirk Forrister, Chủ tịch Hiệp hội Mua bán Rác thải Quốc tế cho rằng, các doanh nghiệp ngày càng nhận thức được những rủi ro của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần biết rõ hơn về chính sách của chính quốc gia mình để đưa ra những kế hoạch hiệu quả nhất.
Ông Forrister nói: “Tôi nghĩ rằng, đây là một ý kiến tốt, vì các doanh nghiệp là một phần của vấn đề và cũng là một phần của giải pháp chống biến đổi khí hậu. Vì thế, điều quan trọng là các doanh nghiệp có thể hiểu rõ về chính phủ của mình sẽ làm những gì, để họ có thể lên kế hoạch cho mình. Các doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng để chúng ta biến những lời nói về giải pháp chống biến đổi khí hậu trở thành thực tế”.
Việc lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia vào đàm phán chống biến đổi khí hậu là điều rất cấp bách. Theo ông Forrister, thách thức ở đây là khiến các doanh nghiệp tham gia một cách nghiêm túc vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thế giới cần đầu tư nhiều hơn vào phát triển các loại năng lượng xanh, sạch. Sẽ không có cách nào có thể làm được điều này nếu không mời các doanh nghiệp tham gia vào tiến trình đàm phán chống biến đổi khí hậu.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các doanh nghiệp chiếm gần 20% trong tổng lượng phát thải toàn cầu mỗi năm. Năm 2011, lượng khí thải của các doanh nghiệp trên thế giới là 1,118 tỷ tấn CO2 và năm 2012 là 1,147 tỷ tấn.
Với những con số này, không thể phủ nhận vai trò của các doanh nghiệp trong việc giảm lượng khí thải toàn cầu. Các doanh nghiệp là lĩnh vực phát thải lớn, nhưng họ cũng chính là một đối tác hiệu quả để giảm lượng khí thải toàn cầu. Các nước cần tận dụng vai trò của các doanh nghiệp để biến những cam kết chống biến đổi khí hậu trở thành hiện thực chứ không chỉ là những lời nói suông./.