Chỉ trong 6 năm đã xảy ra ba cuộc chiến tranh giữa Israel và Phong trào Hamat ở dải Gaza. Trong cuộc xung đột mới nhất, khoảng 2.100 người Palestine và 73 người Israel bị thiệt mạng do các cuộc không kích, đạn rocket, đạn pháo bắn ra từ xe tăng. Vòng xoáy bạo lực đã đẩy dân thường ở cả Israel và dải Gaza vào tình trạng chấn thương tâm lý.
Sau 50 ngày chiến tranh giữa Israel và Hamas, dải Gaza vốn là vùng lãnh thổ nghèo khó càng trở nên hoang tàn, đổ nát. Theo chuyên gia tâm lý Sami Owaida, các cuộc xung đột triền miên từ năm 1948, đặt biệt 3 cuộc chiến trong vòng 6 năm qua đã gây ra chấn tương tâm lý đáng kể cho cư dân của cả hai phía.
Ông Owaida nói: “Tôi gọi đó là Hội chứng Gaza bởi vì kể từ cuộc chiến tranh năm 1948, cha mẹ, ông bà chúng tôi đã hứng chịu sự chấn thương này. Giờ đây, chúng tôi tiếp tục sống trong sự tổn thương, và tình trạng đó kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, một sự chấn thương chưa bao giờ kết thúc”.
Chuyên gia tâm lý Sami Owaida chỉ rõ, trong cuộc chiến 50 ngày kết thúc hôm 26/8, thì cư dân Palestine ở dải Gaza hứng chịu hậu quả lớn nhất. Trẻ em mắc các triệu chứng như tăng động, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, đái dầm, hành vi gây hấn, ăn không ngon.
Giao tranh liên tiếp xảy ra và sự bao vây kinh tế của Israel đã khiến các thanh niên trẻ ở Gaza cảm thấy thất vọng về tương lai. Tỷ lệ thất nghiệp ở dải Gaza lên tới 50%, trong khi hơn một nửa số dân ở Gaza dưới 18 tuổi.
Thanh niên Isah al Shimbery nói: “Hiện nay chúng tôi không thể chịu thêm một cuộc chiến nào nữa, vì mọi giấc mơ, ước vọng của chúng tôi đã bị nghiền nát. Mọi người ai cũng nghĩ cho tương lai, nhưng nếu cứ 2 năm lại xảy ra chiến tranh thì người dân chúng tôi không thể có giấc mơ nào nữa, mất hết mọi hoài bão”.
tâm lý bi quan, sự nghèo đói và chiến tranh là nguyên nhân đẩy nhiều cư dân dải Gaza gia nhập dòng người mạo hiểm vượt biển Địa Trung Hải với mong muốn tìm kiếm cuộc sống mới ở châu Âu. Trong vòng 5 tháng qua, ước tính có 1.500 đến 2.000 cư dân Gaza tìm cách nhập cư vào châu Âu.
Không riêng gì cư dân dải Gaza, khi hàng nghìn quả rocket được bắn vào lãnh thổ Israel, người dân Israel cũng sống trong tình trạnh lo âu thấp thỏm.
Ông Yosef Kuperwasser, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chiến lược của Israel nói: “5 triệu người Israel bị chấn thương tâm lý do các vụ bắn rocket của Hamas suốt nhiều năm qua. Họ chịu cú sốc tinh thần lớn hơn trong chiến dịch gần đây nhất, do rocket bắn xa tới gần như mọi vị trí trong lãnh thổ của Israel”
Mới đây, cộng đồng quốc tế đã cam kết hỗ trợ hàng trăm triệu USD để tái thiết dải Gaza nhưng ngay cả khi hạ tầng cơ sở được xây dựng lại, cuộc sống trở lại bình thường thì “vết sẹo” tâm lý mà người dân hứng chịu sau các cuộc chiến sẽ rất khó lành.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon cảnh báo rằng dải đất Gaza của người Palestine vẫn là “hộp mồi lửa” và một điều chắc chắn rằng khi đàm phán hòa bình vẫn bế tắc, chiến tranh tái diễn thì “vết sẹo tâm lý” sẽ còn rỉ máu./.