Chính quyền vào cuộc
Bệnh do virus Ebola (còn được gọi sốt Ebola, hay đơn giản là Ebola) là một bệnh sốt xuất huyết ở người và các loài linh trưởng khác do ebolavirus gây ra. Căn bệnh này lần đầu tiên được phát hiện tại một ngôi làng gần sông Ebola (Cộng hòa Dân chủ Congo) nên được đặt tên Ebola. Những ngày đầu tiên của một đợt dịch Ebola bùng phát vào tháng 3/2014 và phản ứng của chính phủ Liberia vào thời điểm đó được cho là những bài học quan trọng đối với chính phủ các nước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo coronavirus mới (Covid-19, SARS-CoV-2) là “đại dịch toàn cầu”.
Trước hết, các nhà lãnh đạo Liberia đã giao tiếp với công dân một cách hiệu quả - thành công đầu tiên của quốc gia - nơi có sự đối đầu vô cùng gay gắt giữa đức tin tôn giáo và khoa học. Mọi người đổ xô đến nơi cầu nguyện mong tai qua nạn khỏi và bị nhiễm bệnh. Các cộng đồng Hồi giáo đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Ebola lây lan thông qua các nghi thức tôn giáo khi chôn cất người chết, theo đó, bắt buộc phải tắm rửa, thay quần áo và chôn cất trong vòng 24 giờ. Nhà chức trách không có cơ hội giải quyết khủng hoảng nếu không hợp tác chặt chẽ với Hội đồng liên tôn giáo Liberia và các “già làng, trưởng bản”.
Cách ly những người bị nhiễm và nguy cơ lây nhiễm cao là một trong những biện pháp dập dịch; Nguồn: globalhealthnow.org |
Việc giáo dục công chúng nói chung cũng quan trọng không kém và chính phủ Liberia đã biết thu hút mạnh mẽ lớp trẻ bằng cách lôi kéo các ngôi sao nhạc pop sáng tác và hát bài hát tuyên truyền để tập hợp nguồn nhân lực và các nguồn lực khác nhằm ngăn chặn dịch bệnh và sự hồi sinh của nó. Trong bối cảnh chính trị và kinh tế trong nước không mấy sáng sủa, một bộ phận lớn dân chúng mất lòng tin vào chính quyền, sự khởi đầu của một dịch bệnh cũng như sự lúng túng của giới chức sẽ khoét sâu các mâu thuẫn làm cho chúng trở nên gay gắt hơn. Người dân được hướng dẫn và khuyến khích thực hiện các biện pháp thực tế như cách ly, tiệt trùng, tẩy uế,... để giảm lây truyền Ebola từ người sang người, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực để giải quyết hậu quả của căn bệnh.
Ngoài ra, đã thúc đẩy việc thực hành rửa tay thường xuyên bằng các dung dịch khử trùng và các quy tắc xã hội - không khuyến khích bắt tay nhau khi đang có dịch. Những hành động này được bổ sung bằng các nỗ lực hỗ trợ truy tìm các mối liên lạc, xác định và theo dõi, cách ly những người có thể đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Dựa trên những sáng kiến này, chính quyền cũng hợp tác với các doanh nghiệp địa phương và các tổ chức chính thống khác để chăm sóc các gia đình bị ảnh hưởng bởi Ebola và hỗ trợ các tổ chức nhân đạo làm việc nhằm chống lại sự lây lan của virus.
Nhằm đảm bảo sự thống nhất về phương châm, sách lược và phương pháp thực hiện, một nhóm chuyên gia và chuyên viên nòng cốt từ Bộ Tài chính được biệt phái sang phối thuộc hàng ngày với Bộ Y tế nhằm đảm bảo Bộ Y tế có đủ các nguồn lực cần thiết, trong thời gian ngắn kỷ lục duy trì hoạt động trong tình huống khẩn cấp.
Tháng 7/2014, nền kinh tế gần như ngừng hoạt động, nước láng giềng Bờ Biển Ngà đóng cửa biên giới, các hãng hàng không lớn đình chỉ tất cả các chuyến bay vô thời hạn, nhưng người Liberia vẫn tập trung cho các sự kiện lớn và các hộp đêm chật cứng, chính phủ đã áp lệnh giới nghiêm, từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng, hạn chế đi lại buổi tối. Sau đó, hạn chế lưu lượng người tụ tập vào ban ngày; các văn phòng nhà tuyển dụng lớn, chính phủ… chỉ yêu cầu các nhân viên cốt cán đến công sở; tại các đô thị - cấm cho thuê các địa điểm công cộng để tổ chức sự kiện...
Kỳ thị - một khía cạnh không thể bỏ qua
Ngoài nỗi sợ hãi và cảm giác tội lỗi, những người bị bệnh nói riêng và những người nhập cư nói chung, thường phải chịu rất nhiều miệt thị, dè bỉu và kỳ thị. Trong cuộc khủng hoảng Ebola, những người Mỹ phản ứng tiêu cực đã sử dụng biếm họa của người nhập cư Hồi giáo để kỳ thị họ như những người mang mầm bệnh làm cho người nhập cư trở nên căng thẳng và sợ hãi. Nhiều kẻ phân biệt chủng tộc ác cảm với người châu Phi - những người được cho là có tập tục hôn xác chết và thói quen ăn thịt những con thú lạ. Trong đại dịch coronavirus hiện nay, đã quan sát thấy sự gia tăng bài ngoại và định kiến dân tộc về tiêu thụ các loại thịt thú hoang dã của người Trung Quốc để liên kết các tập quán văn hóa được cho là của người Trung Quốc nhập cư với sự lây lan của virus.
Triệt khuẩn ngăn ngừa dịch bệnh lây lan; Nguồn: pbs.org |
Phản ứng tiêu cực như vậy không phải là mới, tương tự như các phản ứng công khai đổ lỗi cho người Do Thái Nga về dịch thương hàn năm 1892 và người Ý vì sự lây lan của bệnh bại liệt vào năm 1916. Các cộng đồng nhập cư tạo ra một tuyến phòng thủ quan trọng để phát hiện, theo dõi và ngăn ngừa sự lây lan của virut, cải thiện sức khỏe cộng đồng của những người nhập cư. Các hành động kỳ thị thường phản tác dụng vì chúng không lôi kéo người nhập cư vào những nỗ lực rộng lớn hơn để chống lại sự lây lan của bệnh. Khi một quốc gia, vùng, miền đối phó với dịch bệnh mà kỳ thị người nhập cư (hay từ vùng miền khác đến), họ sẽ bỏ lỡ cơ hội xây dựng liên minh chiến lược ngăn chặn sự lây lan của virus.
Các bài học quý giá
Theo Tiến sĩ Tom Frieden - cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, đồng thời là cựu quan chức Sở Y tế thành phố New York, hiện là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Resolve to Save Lives - một sáng kiến phi lợi nhuận toàn cầu được tài trợ bởi Bloomberg Philanthropies, Chan Zuckerberg Initiative, và Bill and Melinda Gates Foundation, và một phần của Vital Strategies phi lợi nhuận toàn cầu - các coronavirus mới là một mối đe dọa chưa có tiền lệ. Chúng ta không biết nó sẽ tệ đến mức nào, sẽ hoành hành trong bao lâu, nhưng đã lây nhiễm và cướp đi sinh mạng nhiều người, gây ra thiệt hại nghiêm trọng kinh tế toàn cầu.
Tiến sĩ Frieden khuyến nghị điều chỉnh phản ứng giữa các quốc gia khác nhau và các khu vực khác nhau của cùng một quốc gia để hạn chế thiệt hại, trong đó, sử dụng tốt dữ liệu là điều cần thiết. Dữ liệu là chìa khóa cho tất cả các chương trình y tế cộng đồng đạt hiệu quả. Chúng ta thiếu thông tin quan trọng về virus mới, cần thêm dữ liệu theo ba khía cạnh: virus lây lan như thế nào, trường hợp nào không có triệu chứng lây lan, các nguồn lây lan quan trọng; virus gây chết người như thế nào, tỷ lệ tử vong; hoạt động nào có thể hạn chế lây lan? Ông cho rằng, vì trẻ em dường như không bị bệnh, và ngay cả khi bị nhiễm bệnh, chúng có thể không phải là nguồn lây nhiễm quan trọng - vì vậy, việc đóng cửa trường học có thể có giá trị hạn chế.
Sẽ có thể giảm thiểu lây nhiễm, cứu sống và hạn chế thiệt hại cho xã hội nếu chúng ta nhanh chóng thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu. Ba ví dụ có liên quan đến cách các chuyên gia y tế cộng đồng sử dụng dữ liệu để ứng phó với dịch Ebola: phản ứng nhanh; hỗ trợ cộng đồng cách ly; hiểu văn hóa cộng đồng. Tại Liberia, các chuyên gia Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã nhận ra rằng, việc chậm trễ trong phản ứng một tuần đã tạo ra các trường hợp lây lan rộng phải xử lý trong nhiều tháng. Liberia đã áp dụng chính sách “Cách ly và điều trị nhanh Ebola” (Rapid Isolation and Treatment of Ebola - RITE) để ứng phó với các trường hợp lây nhiễm mới trong vài ngày, ngay cả tại những vùng xa xôi hẻo lánh, giúp quét sạch các ổ dịch trên khắp đất nước và chấm dứt dịch bệnh.
Binh sĩ Đài Loan phun chất tiệt trùng tại thủ đô Đài Bắc; Nguồn: theguardian.com |
Coronavirus có thể không được kiểm soát theo cách đó, nhưng kinh nghiệm từ Vũ Hán, vốn không phản ứng nhanh, so với phần còn lại của Trung Quốc, cho thấy, phản ứng nhanh sẽ làm giảm số trường hợp bị lây nhiễm và cứu nhiều mạng sống; nhanh chóng ngăn chặn các cuộc tụ họp đông người khi virus bắt đầu lây lan. Ở Guinea, thay vì phong tỏa một cộng đồng, các quan chức y tế cộng đồng hợp tác với các nhà lãnh đạo cộng đồng, cung cấp các dịch vụ bao gồm thực phẩm và chăm sóc sức khỏe ban đầu, và cho phép mọi người ra vào nhưng thu thập số điện thoại và theo dõi sự di chuyển của họ.
Cũng tại Guinea, một nghiên cứu và phân tích nhanh đã xác định rằng, các trường hợp mắc bệnh Ebola có khả năng truyền bệnh cho người khác là những bệnh nhân đã chết - những người tiếp xúc với thi thể họ có khả năng mắc Ebola cao gấp ba lần so với những người khác. Hơn nữa, các chương trình chôn cất được cho là an toàn không có ý nghĩa, vì theo các tập tục văn hóa lâu đời, các gia đình đã rửa ráy, thay quần áo và khâm liệm các bệnh nhân đã chết trước khi gọi đội chôn cất. Bài học ở đây là hiểu văn hóa, phải chấp nhận văn hóa, không chống lại nó.
Mỗi quốc gia đối mặt với đại dịch coronavirus cần tăng cường hệ thống để theo dõi bệnh, tổ chức chẩn đoán thông qua mạng lưới phòng thí nghiệm mạnh, điều tra bài bản, ứng phó nhanh chóng và hiệu quả. Nhanh chóng hỗ trợ các cộng đồng và làm việc theo các chuẩn mực sẽ cứu nhiều mạng sống và tiết kiệm tiền. Xây dựng cơ sở vật chất để làm việc này không hề đơn giản và tại hàng chục quốc gia thu nhập thấp và trung bình, có gần 4 tỷ người sinh sống, sẽ tốn khoảng 1 đến 2 USD mỗi người mỗi năm, trong ít nhất 10 năm - với ít nhất 30 tỷ USD. Đó là số tiền rất nhiều chi cho sức khỏe cộng đồng, nhưng lại là một phần rất nhỏ trong số tiền bị mất nếu không biết những gì chúng ta cần biết về các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Thu thập dữ liệu đúng là một quá trình công phu và không bao giờ dễ dàng, nhưng nó luôn quan trọng nếu chúng ta muốn phản ứng hiệu quả, hạn chế lây lan, cứu sống và bảo vệ cộng đồng cũng như nền kinh tế của chúng ta./.