Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua (17/7) công bố dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, với cảnh báo virus nguy hiểm này đang có nguy cơ vượt biên giới sang nhiều quốc gia láng giềng.
Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo đưa ra bất cứ giới hạn đi lại hay thương mại cũng như đóng cửa biên giới do dịch Ebola.
Các nhân viên y tế đưa thi thể của một người nghi nhiễm virus Ebola ra ngoài ở Monrovia, Liberia ngày 17/7/2015. Ảnh: Reuters |
Bất chấp sự hiệu quả của chiến dịch tiêm vaccine và phản ứng nhanh chóng của quốc tế sau khi dịch Ebola bùng phát cách đây 11 tháng tại Cộng hòa dân chủ Congo, diễn biến bệnh dịch đang cho thấy mức độ khó lường, cũng như nguy cơ an ninh đối với nỗ lực đối phó với bệnh dịch.
Dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo là dịch bệnh gây chết người lớn thứ hai trên thế giới, với gần 1.700 người xác nhận thiệt mạng. Trước đó, từ 2014-2016, dịch Ebola ở Tây Phi đã cướp đi sinh mạng của 11.300 người.
Tuyên bố dịch Ebolalà vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu được đưa ra sau khi các cơ quan y tế phát hiện trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên ở Goma, thành phố có 2 triệu dân nằm ở biên giới phía đông của Congo giáp với Rwanda. Goma là thành phố có cảng biển quốc tế nhộn nhịp nhất trong khu vực, có trung tâm thương mại khoáng sản và đồng thời cũng là nơi có trụ sở của nhiều cơ quan cứu trợ. Người đứng đầu Ủy ban khẩn cấp về Ebola tại Congo Robert Steffen nêu những lí do nên đưa đây là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu:
“Có mối lo ngại về sự lan rộng của Ebola từ Goma - một cảng biển, mặc dù gần đây không có trường hợp nhiễm mới tại thành phố này. Thứ 2 đó là có sự lây lan rộng ở Beni, cho thấy khu vực địa lí vùng dịch đã mở rộng khoảng 500 km. Dịch cũng đã kéo dài gần 1 năm qua và việc khiến 2 nhân viên cứu trợ Ebola thiệt mạng cho thấy nguy cơ của vấn đề an ninh đối với nỗ lực đối phó bệnh dịch”
Đây là lần thứ 5 Tổ chức Y tế thế giới phải công bố sự lan rộng của một căn bệnh ở cấp độ "vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu", tức nguy cơ bệnh có thể lan ra khắp thế giới, và việc công bố như vậy nhằm mục đích có được sự ủng hộ cả về chính sách và tài chính của nhiều nước để đối phó với dịch bệnh. WHO cảnh báo rằng, các quốc gia lân cận là Rwanda, Nam Sudan, Burundi và Uganda đối mặt với nguy cơ nhiều nhất, trong khi các nước như Cộng hòa Trung Phi, Angola, Tanzania, Cộng hòa Dân chủ Congo và Zambia đứng ở vị trí nguy cơ thứ 2.
Mặc dù duy trì nguy cơ cao ở mức quốc gia và khu vực, nhưng dịch Ebola không phải là mối đe dọa toàn cầu. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhnom Ghebreyesus khuyến cáo các nước không nên đóng cửa biên giới vì có thể làm dịch bệnh lan rộng hơn:
“WHO không khuyến cáo bất cứ giới hạn đi lại hay thương mại nào. Đóng cửa biên giới có thể gây ra các hậu quả lớn đối với cuộc sống của người dân trong các hoạt động giáo dục, thương mại và thăm người thân. Các hành động giới hạn như vậy buộc người dân phải sử dụng các cửa khẩu không chính thống, làm gia tăng nguy cơ lan truyền bệnh dịch”
Đầu tuần này, Tổ chức Y tế thế giới ước tính cần hàng trăm triệu USD ngay lập tức để ngăn chặn dịch bệnh. Ưu tiên hàng đầu hiện nay đó là tăng cường sản xuất vaccine phòng chống Ebola đang bị thiếu nghiêm trọng. Chiến dịch tiêm phòng vaccine đã chứng minh được tính hiệu quả khi hạn chế các trường hợp nhiễm mới tại 2 tỉnh đông bắc của Congo.
Ngoài ra, cần phải có các cơ chế cũng như biện pháp an ninh hiệu quả để đảm bảo hoạt động an toàn cho các nhân viên cứu trợ, cũng như nhân viên y tế đối phó với bệnh dịch tại quốc gia vốn xảy ra nhiều bất ổn như Congo./.
Dịch Ebola tại Congo báo động với hơn 1.000 người tử vong