Ngày 27/11, hai hãng hàng không lớn Nhật Bản cho biết, họ đã quyết định ngừng gửi kế hoạch bay cho chính quyền Trung Quốc đối với bất kỳ máy bay nào đi qua khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố là khu vực nhận diện phòng không của họ.
Một chiếc máy bay của Hãng Hàng không Nhật Bản (JAL) cất cánh từ sân bay Haneda (Ảnh: Bloomberg) |
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong một phát biểu tại Tokyo ngày 26/11 cho hay, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các hãng hàng không ngừng cung cấp thông tin về những chuyến bay cho phía Trung Quốc vì áp đặt “phi lý” của nước này.
Đáp lại lời kêu gọi trên, 2 hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là ANA Holdings Inc (9202) và Japan Airlines Co (9201) đã quyết định sẽ không cung cấp thông tin các chuyến bay khi qua vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc mới thiết lập trên biển Hoa Đông.
Hai hãng này ban đầu cho biết kể từ ngày 24/11, họ đã nộp kế hoạch bay của các máy bay dự kiến đi qua vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập một ngày trước đó.
Hãng tin Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cho hay, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục thảo luận với các hãng hàng không nước này. "Điều quan trọng là phải cùng nhau phối hợp hành động để Trung Quốc thấy quyết tâm mạnh mẽ của chúng ta".
Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã đưa ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc thu hồi tuyên bố về khu vực nhận diện phòng không và cho rằng “không có gì là có thể bắt buộc với Nhật Bản”.
Trong một diễn biến khác, ngày 26/11, hai máy bay B-52 của Mỹ đã bay qua khu vực tranh chấp giữa Mỹ và Nhật Bản tại biển Hoa Đông mà không thông báo cho Bắc Kinh. Hành động này được cho là lời thách thức với yêu sách của Trung Quốc về một khu vực nhận diện phòng không mở rộng.
Thông qua chuyến bay của “pháo đài bay” B-52, Washington đã phát đi một thông điệp rõ ràng với Trung Quốc rằng, Bắc Kinh không nên đi quá giới hạn cho phép để thực hiện tham vọng với khu vực tranh chấp ở Hoa Đông.
Động thái của Mỹ cũng cho thấy những cam kết “trung thành” của nước này với đồng minh thân Nhật Bản là không hề thay đổi và Mỹ sẽ không “đứng ngoài” trong những tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh ở Hoa Đông.
Hai máy bay ném bom B-52 không mang vũ khí cất cánh từ Guam vào ngày 25/11 theo một lịch trình bay đã định trước, đây là một phần trong những hoạt động mà các quan chức Quốc phòng Mỹ khẳng định là để tham gia 1 cuộc tập trận theo kế hoạch.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren cho biết: “Đêm 25/11 chúng tôi tiến hành một cuộc tập trận đã được lên kế hoạch trước đó. Cuộc tập trận này có liên quan đến 2 máy bay cất cánh từ Guam”.
Theo ông Warren, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 2 chiếc máy bay đã quay trở về Guam. Ông Warren nói thêm: “Mặc dù Trung Quốc nói họ có quyền giám sát không phận khu vực này nhưng không có một kế hoạch bay nào được gửi trước cho họ và nhiệm vụ của chúng tôi đã hoàn thành suôn sẻ”.
Ông Warren cho biết, hai chiếc máy bay đã có “gần 1 giờ” bay trong khu vực mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố là khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) và không gặp phải máy bay nào của Trung Quốc.
Các chuyến bay quân sự này được đánh giá là mang tính biểu tượng quan trọng vì nó diễn ra chỉ 1 tuần trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng 12.
Trung Quốc đưa ra tuyên bố về khu vực phòng không mở rộng trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông không ngừng gia tăng thời gian gần đây.
Sau tuyên bố này của Trung Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 26/11 đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản cùng ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt các tranh chấp. Ông Ban cho rằng, các tranh chấp cần phải được xử lý “một cách hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán”.
Theo qui định mà Trung Quốc tuyên bố về ADIZ, các máy bay dự kiến bay qua khu vực này cần phải cung cấp một kế hoạch bay trong đó nêu rõ quốc tịch và duy trì liên lạc vô tuyến 2 chiều để sẵn sàng đáp ứng các truy vấn của Trung Quốc.
Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng, Mỹ xem khu vực mà Trung Quốc cho là khu vực nhận diện phòng không của họ là không phận quốc tế và máy bay quân sự của Mỹ sẽ hoạt động trong khu vực này mà không phải trình kế hoạch bay cho Trung Quốc.
Nhật Bản, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã ngay lập tức bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về khu vực phòng không mà họ công bố hôm 23/11.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26/11 ra tuyên bố cho rằng, hành động của Trung Quốc giống như một nỗ lực để “đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: “Động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng cũng như làm gia tăng nguy cơ đối đầu trong khu vực”.
Trong một diễn biến liên quan, Australia đã triệu Đại sứ Trung Quốc để phản đối trong khi Pháp và Đức bày tỏ lo ngại về động thái trên của Bắc Kinh và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Romain Nadal nói: “Chúng tôi kêu gọi một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại, phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp này”./.