TheoLiveScience, máy bay QZ8501 rời thành phố Surabaya của Indonesia vào lúc 5h30 (giờ địa phương). Chiếc máy bay này đang trên đường đến Singapore và 40 phút sau đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu Indonesia khi đang bay qua biển Java. 

Hiện có hàng chục tàu, và máy bay của các nước như Indonesia, Malaysia, Singapore, Australia và Hàn Quốc đã tham gia chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay này. 

tim_kiem_kdwe.jpgPhi công Indonesia trên máy bay tìm kiếm QZ8501 (Ảnh AFP)

Các chuyên gia cho rằng, thời tiết xấu có thể là nguyên nhân khiến máy bay QZ5801 của hãng hàng không AirAsia gặp sự cố. Chiếc máy bay này đang bay ở độ cao 9,7km thì yêu cầu được nâng độ cao lên hơn 11,4km để tránh mưa bão. 

Tại cuộc họp báo ngày 29/12, ông Tatang Kurniadi, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia  Trạm kiểm soát không lưu đã không chấp thuận yêu cầu này của phi công và sau đó thì mất liên lạc với chiếc máy bay này. 

Trong khi đó, việc mất tích của chiếc MH370 ngày 8/3 có vẻ “khó giải thích” hơn nhiều. Chiếc máy bay này dường như vẫn bay hàng giờ liền sau khi đã tắt toàn bộ thiết bị phát tín hiệu và thoát ra ngoài tầm kiểm soát của radar hàng không. 

Trong quá trình bay, chiếc MH370 bất ngờ rẽ trái và bay qua eo biển Malacca của Malaysia một lúc trước khi tiếp tục bay đến Ấn Độ Dương. Trong khi bay, thời tiết vẫn rất tốt và thông tin cuối cùng mà phi công gửi đài kiểm soát không lưu là: “Ổn rồi, chúc ngủ ngon”. 

Mặc dù nhiều tàu thuyền và máy bay đã cày xới khu vực Ấn Độ Dương nhiều tháng qua nhưng vẫn không tìm thấy chiếc máy bay này và điều đó đã khiến nhiều phỏng đoán vô căn cứ liên quan đến MH370 liên tục xuất hiện. 

Trong khi đó, các chuyên gia lại rất lạc quan tin rằng việc tìm được chiếc QZ8501 chỉ là “ngày một ngày hai” bởi khu vực mà QZ8501 mất tích là nơi nhiều tàu bè qua lại, khác hẳn với vị trí mà MH370 mất tích, vốn không gần một cảng biển nào cũng như rất ít máy bay bay qua. 

Ngoài ra, độ sâu trung bình tại Ấn Độ Dương nơi MH370 bị mất tích sâu tới 6,4km trong khi độ sâu trung bình tại biển Java nơi chiếc QZ8501 mất tích chỉ là 60m và lại là một tuyến đường thủy tấp nập được nhiều công ty dầu khí vẽ bản đồ rất chi tiết. 

“Vùng đáy biển Java nông hơn nhiều nên việc tìm kiếm dưới nước để tìm ra mảnh vỡ máy bay cũng dễ hơn nhiều”, ông John McGraw, một cựu phó giám đốc phụ trách an toàn của Ủy ban Hàng không Liên bang Mỹ chia sẻ, “Có thể vụ QZ8501 là một vụ bí ẩn nhưng bí ẩn này sẽ không tồn tại được lâu”. 

Bên cạnh đó, hai chiếc máy bay này có kích cỡ khác nhau, chiếc MH370 là loại Boeing 777, một chiếc máy bay cỡ lớn có động cơ rất mạnh để có thể bay các quãng đường xa. Máy bay này có thể chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. 

Trong khi đó, máy bay QZ8501 là loại Airbus 320 nhỏ hơn nhiều và chỉ chở được 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn. 

Cuối cùng, hãng hàng không AirAsia đang xử lý vụ máy bay mất tích tốt hơn rất nhiều so với hãng Malaysia Airlines. 

Trong khi hãng Malaysia Airlines bị chỉ trích vì cố tình ém nhẹm thông tin có thể giúp hỗ trợ việc điều tra cũng như bất lịch sự khi báo tin về việc máy bay bị mất tích cho cách thân nhân qua tin nhắn điện thoại thì AirAsia liên tục cập nhật các thông tin mới nhất và CEO của AirAsia Tony Fernandes đã viết trên twitter để động viên các thân nhân hành khách rằng, “hãy luôn lạc quan và mạnh mẽ. Trái tim tôi đau đớn cùng các thân nhân hành khách và phi hành đoàn trên máy bay. Không có gì quan trọng đối với chúng tôi hơn điều này”./.