Dù không mang tính ràng buộc, văn kiện này lại có ý nghĩa biểu tượng cao và có thể làm rạn nứt hơn nữa mối quan vốn đang lung lay giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

tho_nhi_ky_armenia_mras.jpg
(Ảnh: YouTube)

Đây là lần đầu tiên một nghị quyết như thế được thông qua tại phiên họp toàn thể của một viện Quốc hội Mỹ. Với 405 phiếu ủng hộ so với 11 phiếu chống, văn kiện cũng là sự đồng thuận hiếm hoi mà các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt được.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức ra tuyên bố phản đối, lên án mạnh mẽ cuộc bỏ phiếu tại Mỹ và cho rằng, quốc gia đồng minh trong NATO này đang tìm cách biến những sự kiện lịch sử thành một vấn đề chính trị.

Về phần mình, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thì hoan nghênh cuộc bỏ phiếu lịch sử tại Hạ viện Mỹ, cho rằng nghị quyết  là một bước đi táo bạo hướng tới sự thật và công lý lịch sử.

Những tranh cãi lịch sử xung quanh vụ thảm sát người Armenia thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất vẫn phủ bóng đen lên quan hệ giữa hai nước Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Armenia cho rằng có khoảng 1,5 triệu công dân nước này đã bị giết hại trong cuộc chiến tranh này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn bác bỏ vụ thảm sát, cầm tù và trục xuất cưỡng ép đối với người Armenia từ năm 1915 và sau đó leo thang thành vụ diệt chủng dưới Đế chế Ottoman ngày 24/4/1915.

Hạ viện Mỹ cùng ngày cũng thông qua dự luật yêu cầu trừng phạt nhằm vào các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan tới chiến dịch quân sự tại Syria mới đây, cùng với một ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ./.