Lệnh ngừng bắn ở khu vực Nagorno-Karabakh (nằm trong lãnh thổ Azerbaijan) đã được thực thi từ trưa ngày 5/4 (giờ địa phương). Trong thời gian tính từ ngày 5/4, tình hình ở vùng này tương đối yên ả mặc dù đại diện Bộ Ngoại giao Azerbaijan hôm 7/4 tố cáo phía Armenia đã vi phạm lệnh ngừng bắn 119 lần trong 24 giờ trước đó.

1_rocket_azerbaijan_vfos.jpg
Quân đội Azerbaijan phóng rocket về phía đối phương. Ảnh: AP.

Vụ giao tranh ở Nagorno-Karabakh trong đầu tháng 4 là đụng độ dữ dội nhất giữa hai bên kể từ năm 1994. Mức độ dữ dội thể hiện ở số lượng thương vong quân nhân, dân thường và việc triển khai các cuộc tấn công và phản công theo kiểu “binh chủng hợp thành”, sử dụng đồng thời cả bộ binh, đặc nhiệm, xe tăng, pháo, rocket, và máy bay trực thăng.

Đụng độ giữa hai bên không chỉ ở phương diện quân sự, mà còn cả trên mặt trận truyền thông và ngoại giao.

Cho đến ngày hôm nay, vẫn có một bức màn bí hiểm phủ lên loạt vụ đụng độ vừa qua giữa các lực lượng vũ trang thù địch ở khu vực Nagorno-Karabakh.

1. Ai nổ súng trước?

Nói cách khác, ai khơi mào xung đột? Ai vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đã được ký vào năm 1994?

Hai nước Azerbaijan và Armenia đưa ra những mô tả khác nhau và trái ngược nhau về những gì đã diễn ra trên thực địa. Hai bên tố cáo lẫn nhau là kẻ nổ súng trước. Hai bên cùng cáo buộc nhau tấn công và gây thương vong cho dân thường.

Ngoài hai nước Azerbaijan và Armenia, còn tồn tại một thực thể thứ 3 là nước “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” (NKR) tự xưng – bên thứ 3 này không được Liên Hợp Quốc và Azerbaijan công nhận. Trong xung đột vừa qua, phe NKR gần như cùng tiếng nói với chính phủ Armenia.

Lực lượng pháo binh của “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” tự xưng. Ảnh: PAN.

Tuy chưa xác định chính xác được bên nào nổ súng trước, chúng ta có mấy chi tiết đáng lưu ý sau:

Thứ nhất, thời điểm mà Armenia cáo buộc Azerbaijan nổ súng trước là vào đêm 1/4, còn Azerbaijan chỉ cáo buộc Armenia bắt đầu nổ súng vào ngày 2/4.

Thứ hai, trong cuộc xung đột hiện nay, có lẽ Azerbaijan có khát khao thay đổi hiện trạng nhiều hơn Armenia (còn phía Armenia có xu hướng duy trì hiện trạng hơn), vì theo quan điểm của Azerbaijan, vùng Nagorno-Karabakh về pháp lý và lịch sử là hoàn toàn thuộc về họ, lại được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan.

Khi có tới 20% lãnh thổ bị nước ngoài chiếm đóng, Azerbaijan chắc sẽ ưu tiên việc thu hồi vùng này, coi đó là vấn đề thể diện quốc gia. Ban lãnh đạo Azerbaijan chịu áp lực thường trực từ công chúng trong vấn đề này. Ai thể hiện tinh thần quyết liệt sẽ “ghi điểm” với dân chúng.

Azerbaijan đã mất vùng này trong hơn 20 năm và học thuyết quân sự của Azerbaijan được thông qua vào năm 2010 nhấn mạnh đến quyền sử dụng sức mạnh quân sự để lấy lại Nagorno-Karabakh.

Thứ ba, so với Armenia, Azerbaijan có lợi thế hơn hẳn về diện tích, dân số, tài nguyên (dầu mỏ), đường bờ biển dài, sự ủng hộ của phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Azerbaijan cũng đông hơn và nhiều vũ khí hơn.

Thứ tư, hiện nay giá dầu giảm sâu đã làm chao đảo nền kinh tế Azerbaijan vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ. Đầu năm 2016 giá dầu giảm khiến đồng nội tệ manat của Azerbaijan mất giá so với đồng USD. Các nhu yếu phẩm tại Azerbaijan cũng tăng giá mạnh. Đất nước này đã phải chứng kiến nhiều cuộc biểu tình do kinh tế khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhu cầu đưa “căng thẳng” ra bên ngoài, hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra quốc tế, nêu cao tinh thần dân tộc để quên đi những khó khăn trong cuộc sống thường nhật.

Một mỏ dầu ở ngoại ô thủ đô Baku của Azerbaijan. Ảnh: AFP.

Ngoài khác biệt trong thông tin về người “gây sự” trước, Armenia và Azerbaijan còn đưa ra các con số khác nhau về số lượng thương vong và những chiến tích trên chiến trường. Hai bên đều có xu hướng đưa ra những con số cao về thương vong và thiệt hại của đối phương.

2. Đụng độ giữa ai với ai?

Theo thông tin của các hãng truyền thông thì nhìn chung đây là xung đột giữa quân đội quốc gia Azerbaijan với lực lượng Armenia.

Tuy nhiên lực lượng Armenia ở đây lại có thể hiểu là (1) quân đội chính quy của chính phủ Armenia hoặc (2) lực lượng tộc người Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh.

Lực lượng thứ 2 này có thể gọi là lực lượng ly khai (muốn tách khỏi Azerbaijan), lực lượng phiến quân, hoặc lực lượng của nước “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” (NKR) tự xưng.

Bản thân Tổng thống Armenia khi nói về thương vong của binh sĩ Armenia trong các vụ đụng độ vừa qua cũng không nói rõ là họ thuộc lực lượng nào.

Trên thực tế, “lực lượng Armenia” có thể là sự kết hợp của cả hai lực lượng nói trên. Bản thân lực lượng thứ 2 cũng có nhiều điều để bàn. Họ có thể bao gồm dân Armenia bản địa ở vùng Nagorno-Karabakh, những người tình nguyện từ Armenia sang, và các quân nhân của Armenia được phái sang chiến đấu trong hàng ngũ NKR, mặc sắc phục của lính NKR.

Nhìn chung ngay cả các tài liệu của Armenia và Azerbaijan cũng không phân biệt quá rạch ròi lực lượng Armenia này.

Tổng thống Armenia Serge Sarkissian thăm hỏi binh sĩ người Armenia bị thương ở mặt trận Nagorno-Karabakh và được đưa về Bệnh viên Trung ương Quân đội Armenia ở thủ đô Yerevan hôm 4/4. Ảnh: PAN.

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ các văn bản của Bộ Ngoại giao và thông tấn xã nhà nước của Azerbaijan và Armenia thì thấy có hai xu hướng: Phía Azerbaijan chủ yếu coi đó là lực lượng của nhà nước Armenia (Azerbaijan không công nhận và không giao tiếp với “phiến quân”), còn phía Armenia có thiên hướng phân biệt rõ đó là lực lượng của nước “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” tự xưng.

Song ngay cả khi nước Armenia gọi lực lượng đó là lực lượng NKR thì có một sự thực là vai trò và tiếng nói của Armenia trong đợt xung đột vừa qua được thể hiện rất rõ. Armenia là một bên chính trong cuộc đối đầu. Các bên tham gia cuộc gặp tại Moscow hôm 5/4 để đạt được lệnh ngừng bắn cũng chính là Bộ Tổng Tham mưu quân đội Azerbaijan và Bộ Tổng tham mưu quân đội nhà nước Armenia.

Phía Azerbaijan coi Cộng hòa Armenia là quốc gia chiếm đóng trái phép khu vực Nagorno-Karabakh và dựng lên chế độ NKR. Trong khi đó, đài RT của Nga gọi các cuộc xung đột vừa qua là xung đột giữa Azerbaijan và nước “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” tự phong của những người Armenia bản địa.

Có một điều thú vị là Armenia ủng hộ NKR nhưng lại không chính thức công nhận NKR. Hiện cũng không có một quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nào khác chính thức công nhận nền độc lập của NKR. Nền độc lập đó chỉ là nền độc lập trên thực tế mà thôi. Và hiện nay Armenia cũng không chủ trương sáp nhập Nagorno-Karabakh vào lãnh thổ của mình.

Thế nhưng Armenia lại hậu thuẫn rất mạnh cho NKR từ trước cho tới nay, về cả vật chất và tinh thần.

Như vậy từ bình diện quốc tế, có thể nói xung đột vừa qua ở Nagorno-Karabakh là xung đột trực tiếp giữa Armenia và Azerbaijan hoặc xung đột trực tiếp giữa một bên là Azerbaijan với một bên là Armenia và NKR. Armenia và NKR tuy hai mà một, tuy một mà hai!

Trên thực tế, dù phía Armenia khẳng định đây là cuộc đối đầu giữa NKR và Azebaijan, nhiều công dân Armenia vẫn tỏ thái độ tức giận đối với Azerbaijan, sẵn sàng tòng quân bảo vệ NKR.

3. Thế lực nước ngoài đứng đằng sau?

Vùng Nam Kavkaz là khu vực nhạy cảm, nằm giữa châu Âu và châu Á, sát với các cường quốc như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, và Iran. Vì vậy khi xem xét các bất ổn ở đây, ngoài yếu tố nội tại, không thể không tính đến các tác nhân từ bên ngoài.

Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thân thiết của Azerbaijan. Cả Thủ tướng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đều chính thức lên tiếng ủng hộ Azerbaijan trong vấn đề Nagorno-Karabakh, và thể hiện rõ lập trường phải khôi phục chủ quyền của Azerbaijan đối với Nagorno-Karabakh. Nhưng đây mới chỉ là tuyên bố của họ.

Thỏa thuận ngừng bắn năm 1994 được đăng tải trên trang web của “Bộ Ngoại giao” nước “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” tự xưng (ảnh chụp màn hình).

Trong khi đó Nga là đồng minh chiến lược của Armenia và đặt căn cứ quân sự tại nước này. Trong khuôn khổ Hiệp ước Tương trợ An ninh, Nga cung cấp rất nhiều vũ khí cho Armenia. Trong xung đột Armenia-Azerbaijan, Nga nghiêng về phía Armenia nhiều hơn.

Tuy vậy Nga đồng thời theo đuổi đường lối thực dụng, cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Azerbaijan dù giữa hai nước từng có nhiều nghi ngại lẫn nhau. Nga đã bán nhiều vũ khí hiện đại cho cả Azerbaijan.

Trong đợt xung đột mới nhất ở Karabakh, Nga đã và đang cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải tích cực. Việc ngừng bắn hôm 5/4 cũng đạt được tại Moscow sau cuộc gặp gỡ giữa đại diện quân đội Azerbaijan và Armenia.

Thêm nữa, vừa rồi Nga đã không chỉ trích thái độ ủng hộ “ra mặt” của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Azerbaijan. Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng Nga không đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ về căng thẳng leo thang vừa qua tại Nagorno-Karabakh.

Mỹ và phương Tây thì thân Azerbaijan hơn và có lợi ích gắn với nguồn dầu khí của Azerbaijan. Tuy nhiên, trong đợt đụng độ quân sự vừa qua ở Nagorno-Karabakh, Mỹ vẫn cố gắng giữ thái độ cân bằng, không nghiêng về bất cứ bên nào trong xung đột này, giống như trước đây.

Có một số ý kiến cho rằng Nga hưởng lợi từ xung đột Nagorno-Karabakh vì điều này làm cho các nước Nam Kavkaz suy yếu và tạo điều kiện cho Nga tăng cường hiện diện tại đây cũng như bán thêm vũ khí cho cả hai bên.

Tuy nhiên, xung đột vũ trang ở Nagorno-Karabakh cũng đồng thời đe dọa các lợi ích kinh tế của Nga ở đây. Nếu cuộc xung đột này vượt ra khỏi vòng kiểm soát, nó có nguy cơ biến thành cuộc chiến trong toàn khu vực Nam Kavkaz và đe dọa trực tiếp vùng Bắc Kavkaz của Nga vốn có sẵn nhiều bất ổn. Nga chắc chắn không mong đợi điều này, nhất là trong bối cảnh lực lượng khủng bố IS ở cách đó không xa và đang tìm cách xâm nhập vào vùng Kavkaz.

Như vậy, trong biến cố Nagorno-Karabakh đầu tháng 4 này, sẽ rất khó khẳng định một cách chắc chắn xung đột đó là do các thế lực bên ngoài giật dây, và nếu có thì đó là thế lực nào./.