Các quan chức Indonesia hôm nay thông báo, số người thiệt mạng sau trận động đất và sóng thần xảy ra hôm 28/9 vừa qua tại Indonesia đã tăng lên 2045 người, với hầu hết các nạn nhân đều ở thành phố biển Palu, miền trung tỉnh Sulawesi.
Phát biểu tại buổi họp báo chiều nay, người phát ngôn Cơ quan kiểm soát giảm nhẹ rủi ro thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết, các hoạt động sơ tán sẽ bị dừng lại, nhưng các phản ứng khẩn cấp sẽ tiếp tục cho đến cuối tháng 10.
“Giai đoạn phản ứng khẩn cấp sẽ tiếp tục nhưng tiến trình sơ tán sẽ bị dừng lại vào ngày mai (11/10). Các dịch vụ cơ bản thiết yếu cho người sơ tán như dịch vụ y tế, phân phối hậu cần, trường tạm, xây dựng lều bạt và các hoạt động khác sẽ tiếp tục cho đến cuối tháng 10 năm 2018”- ông Sutopo Purwo Nugroho nói.
Khoảng 82.000 người đã phải đi sơ tán tại Palu và nhiều người đang sống trong các lều bạt tạm tại các ngôi làng bị tàn phá. Các nhân viên cứu hộ cũng đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân của thảm họa, với hi vọng có thể tìm thấy thêm nhiều thi thể trước khi hạn chót cho các hoạt động tìm kiếm các nạn nhân kết thúc vào ngày mai 11/10, để tập trung vào quá trình phục hồi, tái thiết.
Phát biểu tại buổi họp báo hôm nay, các quan chức Indonesia cũng nhận định, hiện tượng đất hóa lỏng sau động đất là “mối đe dọa mới” đối với đất nước. Tại nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa kép động đất, sóng thần ở Indonesia, mặt đất giờ đây nhìn giống như chất lỏng.
Giới chuyên gia gọi đây là hiện tượng "đất hóa lỏng", xảy ra khi đất bị bão hòa bởi nước và chịu sức ép do chuyển động đột ngột như rung chấn từ động đất. Hiện tượng hóa lỏng đất có thể gây nguy hiểm. Trong những trận động đất, xe hơi, mặt đường và thậm chí các tòa nhà có thể bị hút xuống dưới lớp đất nền./.
Thảm hoạ động đất, sóng thần Indonesia và bài học về cảnh báo
Số người chết vì động đất, sóng thần tại Indonesia lên tới gần 2.000
Thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia: Đêm trong viện dã chiến Palu
Một tuần sau thảm họa kép, Indonesia đối mặt với dịch bệnh và bất ổn