Một trong những nỗ lực giải quyết vấn đề rác thải nhựa của Indonesia là khởi xướng chương trình nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của chất thải nhựa gây ra đối với môi trường.

o_nhiem_nhua_oirk.jpg
Rác thải nhựa ngập tràn bãi biển ở đảo Bali của Indonesia. Ảnh: AFP

Chính phủ Indonesia đã tranh thủ sự giúp đỡ của các giáo sĩ từ hai tổ chức Hồi giáo lớn nhất nước này, đó là Nadatul Ulama và Muhammadiyah với tổng cộng 100 triệu tín đồ trên toàn quốc. Hai nhóm đã giúp khởi động chương trình mang tên "Bài giảng về rác thải nhựa" giúp nâng cao nhận thức của trẻ em về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Bà Fitria Ariyani, Giám đốc Quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu của nhóm Nadatul Ulama cho biết: "Chúng tôi có một hệ thống giáo dục rất hiệu quả thông qua các bài giảng. Chúng tôi muốn trẻ em nhận thức được rằng, việc tái chế rác thải nhựa không có nghĩa là mang lại hiệu quả kinh tế. Chúng ta cần quan tâm đến môi trường, đến lợi ích xã hội".

Các bài giảng của hai tổ chức này nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm nhựa và khuyến khích họ giảm việc sử dụng túi ni lông. Tuy nhiên, bà Ariyani cho biết, thách thức nằm ở việc thuyết phục các thế hệ trước giảm việc sử dụng túi ni lông.

Sawung, một nhà môi trường học cho rằng: "Bộ Tôn giáo cần giới thiệu sáng kiến này. Bảo vệ môi trường cần phải trở thành xu hướng, nhất là khi các nhà lãnh đạo tôn giáo giúp khuyến khích cộng đồng giảm chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa. Điều này sẽ giúp từ từ nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường".

Indonesia sử dụng khoảng 9,8 tỷ bao ni lông mỗi năm, mà rất nhiều trong số đó được thải ra biển. Chính phủ Indonesia đã cam kết sẽ giảm ít nhất 70% lượng chất thải ra biển vào năm 2025 đồng thời chi  tới một tỷ USD để làm sạch các con sông và vùng biển của nước này.

Hiện nay biến đổi khí hậu trở thành một chủ đề ngày càng quan trọng trên toàn cầu. Chính vì thế theo các nhà môi trường học,  sáng kiến này là một bước tiến hướng tới một tương lai sạch hơn và xanh hơn cho Indonesia.

Hiện chất thải nhựa có thể được tìm thấy ở hầu như tất cả các khu vực ven biển và ngay cả trong các khu vực sâu nhất của đại dương. Với hơn 80% đến từ các nguồn trên đất liền, rác thải nhựa đe dọa sức khỏe của đại dương, sự an toàn thực phẩm, an sinh của con người và du lịch ven biển, đồng thời làm biến đổi khí hậu. Nếu không kiểm soát được vấn đề rác thải nhựa trong đại dương, "sức khỏe" của đại dương sẽ ngày càng trầm trọng: Hơn 8 triệu tấn chất thải tuồn vào đại dương mỗi năm. Với diễn biến như hiện nay, mức độ ô nhiễm này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030./.