Trong thông báo chung đưa ra, Mỹ cho biết, trước mắt sẽ bổ sung thêm cho Liên minh châu Âu - EU 15 tỷ m3 khí LNG ngay trong năm nay. Về dài hạn, Mỹ sẽ đảm bảo một nguồn cung ổn định 50 tỷ m3 khí/năm cho EU từ nay cho đến năm 2030. Mỹ hiện đang cung cấp tổng cộng 66,5 tỷ m3 khí tự nhiên hoá lỏng cho cả EU và Vương quốc Anh.
Phát biểu sau lễ ký, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Usurla Von der Layen cho biết, thoả thuận này sẽ hỗ trợ EU hướng tới sự độc lập về năng lượng: “Việc Mỹ cam kết cung cấp thêm cho Liên minh Châu Âu ít nhất 15 tỷ m3 khí tự nhiên hoá lỏng trong năm nay là một bước tiến lớn theo hướng này. Điều này giúp thay thế nguồn khí tự nhiên hoá lỏng mà EU đang nhận được từ Nga".
Theo lộ trình đã được thông qua, EU đặt mục tiêu giảm 30 tỷ m3 khí đốt nhập khẩu từ Nga ngay trong năm 2022. Trong đó, 1/3 sẽ được thay thế bằng nguồn khí đốt được vận chuyển thông qua các đường ống nối với các nhà cung cấp Na Uy và Azerbaidjan, phần còn lại sẽ được thay thế bằng nguồn khí LNG của Mỹ và Qatar được vận chuyển bằng đường biển.
Quốc gia đầu tàu kinh tế của EU là Đức cho biết, từ nay đến giữa năm sẽ giảm một nửa lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, trước khi dừng mua hoàn toàn vào cuối năm 2022. Đức cũng tuyên bố sẽ không sử dụng than đá của Nga từ mùa thu tới. Riêng với khí đốt của Nga hiện đang chiếm 55% sản lượng tiêu thụ tại Đức, mục tiêu độc lập sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn với thời hạn sớm nhất đặt ra là từ giữa năm 2024.
Kể từ đầu tháng 3/2022, Đức đã chi 1,5 tỷ euro để ký kết các hợp đồng với nhiều nhà cung cấp khí LNG, đặc biệt là Mỹ và Qatar. Nước này dự kiến sẽ lắp đặt 3 trạm xử lý khí LNG để chuyển đổi thành khí đốt.
Một quốc gia đầu tàu EU khác là Pháp cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán về giá khí đốt với Algeria - nhà cung cấp năng lượng lớn thứ 3 cho châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/3 cho biết, 27 quốc gia EU đã thông qua quyết định mua chung khí đốt: “Lần đầu tiên, Uỷ ban châu Âu được giao trách nhiệm mua các gói khí đốt chung. Việc mua chung khí đốt giúp định rõ các hợp đồng dài hạn và là cách tốt nhất để làm giảm giá khí đốt".
Hiện 40% khí đốt sử dụng tại EU được nhập khẩu từ Nga và khối này đến nay vẫn chưa áp các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng của Nga lo ngại điều này sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế./.